Vạn Lý Trường Thành: Choáng ngợp trước sự hùng vĩ của bức tường ngàn năm không đổ
Vạn Lý Trường Thành là bức tường thành nổi tiếng của Trung Quốc. Trước đây, Vạn Lý Trường Thành có rất nhiều tên gọi khác nhau như rào chắn, pháo đài hay Rồng đất… Mãi đến thế kỷ XIX, công trình này mới chính thức được đặt tên là Vạn Lý Trường Thành.
Theo một nghiên cứu sơ bộ được công bố năm 2009, Vạn Lý Trường Thành dài 8.851 km, nhưng theo kết quả của cuộc khảo sát mới nhất, công trình này dài tới 21.196 km. Bức tường thành bắt đầu từ Sơn Hải quan trên bờ Biển Bột Hải ở phía đông đến Lop Nur ở phần phía đông nam Khu tự trị người Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương.
Nơi rộng nhất của bức tường thành là 30 m, nơi cao nhất là 3,65 m. Điểm cao nhất của Trường Thành (đỉnh tháp canh) là 7,9 m. Ước tính có khoảng 25.000 tháp canh được xây dựng dọc theo bức tường.
Việc xây dựng Vạn Lý Trường Thành kéo dài hơn 2000 năm, từ đầu thế kỷ V trước Công nguyên tới thế kỷ XVI. Bức tường này được xây dựng theo từng đoạn, một số đoạn cổ nhất xuất hiện từ năm 221 trước Công nguyên. Đây là cuối thời Chiến quốc. Vào thời điểm này, nhà Tần thống nhất các nước nên họ đã bắt đầu kết nối hệ thống tường thành của đối phương thành một mạng lưới thống nhất. Việc xây dựng chỉ kết thúc vào thời nhà Minh, vào khoảng giữa năm 1368 và 1644.
Ước tính số người tham gia xây dựng Vạn Lý Trường Thành lên tới 800.000 người và có rất nhiều người phải bỏ mạng vì công trình kiến trúc vĩ đại này. Cũng chính vì lý do đó mà Vạn Lý Trường Thành còn được mệnh danh là “nghĩa trang dài nhất thế giới”. Không ít người đã được chôn ngay dưới chân tường thành này.
Mục đích ban đầu của Vạn Lý Trường Thành là để chống lại quân xâm lược hay những người bán du mục như người Mông Cổ vào cướp bóc. Tuy nhiên, sau này bức tường còn đóng vai trò như một đường biên giới, nơi thực hiện các luật lệ về giao thương và di cư.
Đây là Sơn Hải quan, cửa ải cực Đông của Vạn Lý Trường Thành. Cửa ải này từng được xây từ thời Bắc Tề (550 - 577) và thời Đường (618 - 907) nhưng phải đến thời nhà Minh (1368 - 1644), Sơn Hải Quan mới chính thức được xây dựng. Đây từng là một cửa ải biên giới phòng thủ của Trung Quốc trước các dân tộc du mục tại Đông Bắc như Khiết Đan, Nữ Chân và Mãn Châu.
Đây là Gia Dục quan, cửa ải cực Tây của Vạn Lý Trường Thành. Nếu Sơn Hải quan xây dựng lấn biển thì Gia Dục quan lại được xây dựng tại vùng biên giới giáp sa mạc Gobi. Công trình này được xây dựng vào thời nhà Minh, khoảng năm 1372. Gia Dục quan có cấu trúc hình thang với chu vi 733 m và diện tích trên 33.500 m2. Tổng chiều dài tường thành là 733 m và chiều cao tường thành là 11 m. Theo một số nghiên cứu, công trình được xây dựng bởi 99.999 viên gạch.
Ngoài Sơn Hải quan và Gia Dục quan, Vạn Lý Trường Thành còn có nhiều cửa ải nổi tiếng khác như Nương Tử quan, Ngọc Môn quan, Biển Đầu Quan, Nhạc Môn quan, Cư Dung quan. Mỗi cửa ải đều gắn liền với những truyền thuyết, những câu chuyện riêng biệt.
Lý giải về việc Vạn Lý Trường Thành ngàn năm không đổ, các nhà khoa học Trung Quốc nhất loạt khẳng định rằng, ngoài đất và đá, bức tường này còn được xây dựng bằng vữa gạo nếp. Loại vữa này được tạo ra từ cháo gạo nếp và vữa tiêu chuẩn. Theo một số đánh giá, vữa gạo nếp còn chắc chắn hơn xi măng ngày nay. Vào thời cổ đại, loại vữa này cũng được dùng để xây dựng những công trình kiến trúc lớn như lăng mộ, tháp ngọc, xây tường thành…
Vạn Lý Trường Thành nằm trong các danh sách “Bảy kỳ quan thời Trung cổ của Thế giới”. Ngoài ra, công trình này cũng được UNESCO công nhận là Di sản thế giới từ năm 1987.
Hiện nay, Vạn Lý Trường Thành là địa điểm tham quan du lịch nổi tiếng và đông khách nhất Trung Quốc, với hàng chục triệu lượt khách mỗi năm.
Khi tuyết rơi, đường trơn trượt khiến việc di chuyển khó khăn hơn, nhưng Vạn Lý Trường Thành vẫn thu hút một lượng lớn khách du lịch tới tham quan.
Phương An
saostar.vn
Viết bình luận
Bạn đã gửi bình luận thành công. Chúng tôi sẽ đăng bình luận của bạn sau khi kiểm duyệt.