Tới Cao Bằng nhất định không được bỏ qua Công viên Địa chất Non nước

Không phải là cái tên xa lạ trên bản đồ du lịch Cao Bằng, công viên Địa chất Non nước là điểm đến kích thích những tín đồ mê xê dịch. Để khám phá Non nước Cao Bằng, bạn có thể lên lịch trình 3 ngày cho chuyến đi này. 

Công viên Địa chất Non nước bao gồm các thắng cảnh vô cùng nổi tiếng của Cao Bằng như thác Bản Giốc, suối Lê nin, quần thể hồ Thang Hen... Đây sẽ là cơ hội tuyệt vời để khách du lịch đắm mình vào khung cảnh thơ mộng mà không kém phần hùng vĩ của vùng Đông Bắc nước ta. 

1. Khám phá Công viên Địa chất Non nước – điểm du lịch tráng lệ của Cao Bằng 

1.1. Tìm về Công viên Địa chất Non nước

Với diện tích hơn 3.275 km2, công viên Địa chất Non nước Cao Bằng chiếm gần một nửa diện tích toàn tỉnh, trải dài trên địa bàn các huyện Hà Quảng, Quảng Uyên, Trà Lĩnh, Trùng Khánh, Hạ Lang, Phục Hòa và một phần diện tích của huyện Nguyên Bình, Hòa An và Thạch An.

Công viên Địa chất Non nước

Công viên Địa chất Non nước đã được UNESCO công nhận là Công viên Địa chất toàn cầu. Ảnh: Hồng Ngọc Hà  

Vào ngày 12/4/2018, Công viên Địa chất Non nước này đã được tổ chức UNESCO công nhận là Công viên Địa chất toàn cầu. Non nước Cao Bằng có địa chất độc đáo với hóa thạch, hang động, thung lũng, sông hồ... đa dạng. Ngoài ra, công viên có hệ thống sinh thái động thực vật phong phú, là môi trường sống của nhiều loài có tên trong sách đỏ Việt Nam như bách vàng, khỉ mặt đỏ... 

Không chỉ có giá trị về khảo cổ, sinh học, công viên Địa chất Non nước Cao Bằng còn là nơi để bạn tìm hiểu về đời sống văn hóa bởi tại đây có 9 dân tộc khác nhau cùng sinh sống, là người Mông, Tày, Nùng, Sán Chay, Lô Lô...

Công viên Địa chất Non nước

Trở về với thiên nhiên tại Công viên Địa chất Non nước Cao Bằng. Ảnh: Msquare

Ngoài ra, công viên Địa chất Non nước cũng là cái nôi của Cách mạng nước ta trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Nơi này có hơn 200 di tích được xếp hạng, trong đó có 3 di tích quốc gia hạng đặc biệt. Đó là khu di tích Pác Bó (nơi Bác Hồ trở về nước lãnh đạo phong trào Cách mạng Việt Nam), khu di tích rừng Trần Hưng Đạo (nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam) và khu di tích Địa điểm Chiến thắng Biên giới năm 1950. 

1.2. Hướng dẫn tới Cao Bằng 

Cách TP Hà Nội 280km, thời gian di chuyển tới Cao Bằng khoảng 7 tiếng đồng hồ. Nếu đi xe khách, bạn đón xe tại bến xe Mỹ Đình, Gia Lâm hay Giáp Bát đều được. Giá vé từ 200.000 đồng/người. 

Công viên Địa chất Non nước

Thời gian di chuyển lên Cao Bằng khoảng 7 tiếng đồng hồ nếu xuất phát từ Hà Nội. Ảnh: Msquare

Theo kinh nghiệm đi Cao Bằng, du khách có thể xuất phát từ sáng sớm tại Hà Nội sau đó tới TP Cao Bằng vào buổi trưa. Buổi chiều bạn thăm thú trung tâm thành phố và thưởng thức những món ăn ngon cũng là gợi ý lý tưởng. 

Công viên Địa chất Non nước

Các bạn có thể lựa chọn phương tiện di chuyển phù hợp. Ảnh: Check in Vietnam

Còn nếu đi ôtô riêng, du khách di chuyển theo tuyến cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn, Quốc lộ 4 đến Cao Bằng. Khách du lịch có sức khỏe tốt có thể đi xe giường nằm từ đêm hôm trước, đến TP Cao Bằng vào sáng sớm hôm sau và bắt đầu hành trình khám phá công viên địa chất. 

Trong trường hợp xuất phát từ TP Hồ Chí Minh hay tỉnh thành ở xa, các lữ khách nên đi máy bay tới Hà Nội, sau đó tiếp tục đi xe khách về Cao Bằng. 

1.3. Thời gian lý tưởng để tới Công viên Địa chất Non nước

Nhìn chung, khí hậu ở Cao Bằng khá dễ chịu nên bạn có thể chọn du lịch bất kể thời điểm nào trong năm. Trong đó, tháng 6 tới tháng 9 được xem là quãng thời gian lý tưởng, thu hút nhiều khách du lịch Cao Bằng nhất.

Công viên Địa chất Non nước

Bạn có thể tới Cao Bằng quanh năm. Ảnh: Yeah

Lúc này, thác Bản Giốc chảy mạnh, tung bọt trắng xóa, tạo nên cảnh tượng ngoạn mục. Không chỉ vậy, vào khoảng tháng 9 – tháng 10, lúa chín vàng trên đồng ruộng bậc thang khiến bức tranh thiên nhiên Cao Bằng càng trở nên lãng mạn, trù phú. 

Vào mùa đông, từ tháng 11 tới tháng 2 năm sau, thời tiết lạnh, nước chảy êm đềm hơn. Tùy theo sở thích, du khách có thể du lịch công viên Địa chất Non nước theo thời gian phù hợp. 

1.4. Du lịch Công viên Địa chất Non nước có gì hấp dẫn?

Để trải nghiệm Công viên Địa chất Non nước Cao Bằng, có 3 tuyến với 3 chủ đề khác nhau cho du khách lựa chọn. 

1.4.1. Tuyến số 1: Khám phá Phia Oắc - ngọn núi của những đổi thay

Tuyến số 1 đưa bạn khám phá sự đa dạng, kỳ vĩ của vùng núi cao. Từ chân lên đỉnh núi có khí hậu khác nhau và từ đó cũng khiến thảm thực vật thay đổi phong phú, nào là rừng rậm nhiệt đới, rừng rêu rổi rừng lùn ôn đới. 

núi Phja Oắc tại Công viên Địa chất Non nước

Đỉnh Phja Oắc quanh năm mây mù huyền ảo. Ảnh: anmmit

400 triệu năm trước, nơi này từng là đại dương, qua quá trình kiến tạo trở thành núi cao với bề mặt san bằng karst, thung lũng treo vô cùng độc đáo. Điểm nhấn của tuyến 1 là Vườn Quốc gia Phja Oắc - Phja Đén, trong đó đỉnh núi Phja Oắc cao 1.931m còn Phja Đén có độ cao 1.391m so với mặt biển. Đây được xem là nơi nghỉ dưỡng tuyệt vời, chẳng kém cạnh Sapa của Cao Bằng.

Vườn Quốc gia Phja Oắc - Phja Đén là ngôi nhà chung của 1.287 loài thực vật, hàng nghìn loài động vật không xương sống, côn trùng... khác nhau. Có thể nói, nơi này ẩn chứa rất nhiều điều bí ẩn, kì diệu của thiên nhiên, đang trực chờ bạn khám phá. 

Công viên Địa chất Non nước

Đây là điểm săn mây lý tưởng cho bạn. Ảnh: mcngocanh2104

Với các dãy núi trùng điệp, Vườn Quốc gia Phja Oắc - Phja Đén mang đậm nét hoang sơ, quanh năm mát mẻ, mây mờ che phủ, tạo nên cảnh quan như chốn bồng lai tiên cảnh. Nếu có dịp tới đây vào mùa xuân, khách du lịch Cao Bằng sẽ được chiêm ngưỡng hoa đỗ quyên rừng, hoa lan rừng... đua nhau khoe sắc, giúp tô điểm thêm vào khung cảnh lãng mạn của vườn Quốc gia. 

Công viên Địa chất Non nước

Vào mùa đông, Vườn Quốc gia Phja Oắc - Phja Đén xuất hiện băng tuyết. Ảnh: Lao động

Rải rác xung quanh khu du lịch là bản làng, những thửa ruộng bậc thang, những con suối... Bức tranh phong cách hiện lên vô cùng sống động và nên thơ. Người dân nơi đây rất chăm chỉ, hình ảnh bà con trong trang phục truyền thống lao động trên những thửa ruộng bậc thang để lại ấn tượng trong tâm trí mỗi du khách. 

1.4.2. Tuyến số 2: Trở về cội nguồn

Ngược lên phía Bắc, tuyến số 2 tại Công viên Địa chất Non nước đưa bạn đi từ bất ngờ này tới bất ngờ khác không chỉ bởi cảnh quan thiên nhiên mà còn bởi những điểm du lịch gắn liền với lịch sử giữ nước của dân tộc ta. 

Những điểm du lịch nổi tiếng trong tuyến số 2 phải kể đến: 

+ Khu di tích Pác Bó: Đây chính là nơi Chủ tích Hồ Chí Minh ở và làm việc để lãnh đạo phong trào Cách mạng từ 1941-1945 sau hàng chục năm bôn ba ở nước ngoài. Trải qua 78 năm, nơi này vẫn lưu giữ được nguyên vẹn các chứng tích về cuộc đời cũng như sự nghiệp vĩ đại của Bác Hồ. 

Suối lê nin xanh biếc ở Công viên Địa chất Non nước

Suối Lê nin huyền ảo, xanh biếc. Ảnh: Singtour

Khi tới đây, khách du lịch Cao Bằng sẽ được lắng nghe câu chuyện hoạt động Cách mạng của Bác, chiêm ngưỡng cảnh thiên nhiên hùng vĩ cũng như ngâm mình trong làn nước trong xanh mát lành tại con suối Lê nin. 

Con suối chảy uốn lượn, mềm mại dưới chân núi Các Mác, còn được người dân địa phương gọi là suối Giàng hay Dòng Trừng. Nước ở đây lúc nào cũng trong vắt, hai bên là cây cối um tùm, nghiêng bóng, tạo nên một bức tranh phong cảnh quá đỗi bình yên và nhẹ nhàng. 

Công viên Địa chất Non nước

Tới đây đừng quên check in lưu giữ kỷ niệm nhé. Ảnh: Gody

Hãy thử bước lên các tảng đá, lắng nghe tiếng suối Lê nin chảy róc rác để cảm nhận hương vị núi rừng trong chuyến đi về miền Đông Bắc này nhé. Đến với Pác Pó, du khách còn được mua các đặc sản của Cao Bằng như bánh khảo nấm hương, khẩu sli, miến dong, măng khô, rau ngót rừng...  

+ Các làng nghề truyền thống: Với sự đa dạng của các dân tộc, ở Cao Bằng không thiếu làng nghề truyền thống. Làng nghề hương thảo mộc ở xóm Nà Mạ (xã Trường Hà) đã có từ lâu đời, truyền từ đời này sang đời khác và nhiều gia đình vẫn duy trì đến tận ngày nay. Hiện nay, ở xóm Nà Mạ có khoảng 30 hộ làm hương hoàn toàn thủ công. 

Công viên Địa chất Non nước

Làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống Luống Nọi. Ảnh: Quân đội Nhân dân

Luống Nọi là làng nghề duy nhất thuộc địa bàn xã Ngọc Đào (huyện Hà Quảng) còn giữ được nghề dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc Tày. Đặc biệt, gia đình nghệ nhân Nông Thị Thược đã có 4 đời theo nghề này. Tới đây, du khách sẽ được thăm quan, tận mắt chứng kiến quy trình dệt để tạo nên sản phẩm độc đáo, đầy ấn tượng. 

1.4.3. Tuyến số 3: Trải nghiệm văn hóa bản địa ở xứ sở thần tiên

Tuyến số 3 tập trung vào các địa danh thuộc phía Đông của tỉnh Cao Bằng. Đúng như tên gọi, tham gia tuyến số 3, du khách sẽ ghé thăm các hang động, thác nước, sông hồ ngầm, thung lũng... kì bí như ở xứ sở thần tiên. 

Qua đó, bạn hiểu hơn về cảnh quan karst và lịch sử địa chất khu vực. Đây là tuyến được rất nhiều du khách yêu thích. Nếu là người thích chụp ảnh, tuyến số 3 rất thích hợp cho bạn. 

5 danh thắng nổi tiếng trong tuyến số 3 tại Công viên Địa chất Non nước: 

+ Thác Bản Giốc: Có thể nói, thác Bản Giốc là một biểu tượng của tỉnh Cao Bằng. Con thác bắt nguồn từ sông Quây Sơn, cao hơn 60m và chia thành nhiều tầng đá vôi nối tiếp nhau.

Thác bản giốc là điểm đến nhất định phải ghé thăm khi đi Công viên Địa chất Non nước

Thác Bản Giốc tráng lệ, là niềm tự hào của Cao Bằng. Ảnh: PSY

Nước đổ từ trên cao xuống tạo nên khung cảnh thuần khiết, huyền ảo. Xung quanh thác rất nhiều cây xanh, vào những hôm trời nắng đẹp, những tia nắng chiếu xuống lung linh trong bọt nước càng khiến khung cảnh trở nên lung linh như một bức tranh nghệ thuật. 

Dưới chân thác Bản Giốc là dòng sông rộng, phẳng lặng. Tới đây, du khách đừng quên ngồi trên thuyền bè lững lờ trôi để ngắm nhìn cận cảnh con thác hùng vĩ ở Cao Bằng này. 

+ Động Ngườm Ngao: Được xem như kiệt tác của thiên nhiên, động Ngườm Ngao quyến rũ du khách bởi vẻ đẹp hoàn toàn tự nhiên, không chịu sự tác động của con người. 

Công viên Địa chất Non nước

Vẻ đẹp kỳ vĩ của động Ngườm Ngao. Ảnh: PSY

Động Ngườm Ngao được phát hiện từ năm 1921, nằm cách thác Bản Giốc chỉ 5km và đã được công nhận là danh thắng cấp Quốc gia từ năm 1998. Theo truyền thuyết xưa kia, nơi này có rất nhiều hổ dữ sinh sống nên người dân phải đặt bẫy bắt hổ và từ đó sống bình yên. 

Khác hẳn các địa phương khác, nhũ đá trong động Ngườm Ngao có màu sắc rất đặc biệt, phản chiếu ánh sáng huyền ảo. Nổi bật là khối đá như một đài sen úp ngược, đến mùa mưa, nước nhỏ xuống trông rất kỳ diệu và vui tai. 

+ Núi Mắt Thần: Núi Mắt Thần còn có tên gọi khác là Núi Thủng, vốn là điểm đến nổi tiếng ở Cao Bằng mà khách du lịch khó lòng bỏ qua. 

Công viên Địa chất Non nước

Khung cảnh bình yên tại Núi Mắt Thần. Ảnh: Check in Vietnam

Ngọn núi này cao khoảng 100m, có một lỗ thủng lớn xuyên qua lòng ngọn núi. Đường kính lỗ thủng lên tới 35m, nom chẳng khác nào một con mắt khổng lồ sừng sững giữa thiên nhiên. Xung quanh núi lại là những dãy núi khác, trùng trùng điệp điệp, bên dưới là dòng suối cùng thảm cỏ xanh mướt mát. 

Công viên Địa chất Non nước

Tới đây dã ngoại thì còn gì bằng. Ảnh: TT

Rất nhiều bạn trẻ tìm đến đây để picnic, cắm trại vào ngày cuối tuần như một cách xả stress. Ngoài ra, du khách còn được tham gia chèo thuyền, đạp xe, đi dạo... khi tới thăm quan núi Mắt Thần. 

+ Hồ Thang Hen: Nằm trên độ cao 1000m so với mực nước biển, hồ Thang Hen với phong cảnh sơn thủy hữu tình, được ví như Tuyệt tình cốc của Cao Bằng. Mặt hồ nước lúc nào cũng xanh biếc một màu, tựa một chiếc gương khổng lồ. 

Công viên Địa chất Non nước

Hồ Thang Hen mộng mơ, trữ tình. Ảnh: Msquare

Ngay cạnh hồ Thang Hen là bờ vực đá dựng đứng kiều kỳ, du khách có thể quan sát dễ dàng các cây gỗ nghiến hàng trăm năm tuổi cùng các giống hoa lan rừng.  

Cứ khoảng cuối tháng 5, đầu tháng 6 hàng năm, quần thể hồ Thang Hen vào mùa nước nổi, nước dâng cao đẹp mắt. Khách thăm quan có thể chèo thuyền, chiêm ngưỡng thiên nhiên. Cảm giác lênh đênh trên mặt nước nhẹ nhàng, bình yên cũng rất thú vị đúng không nào. 

+ Động Dơi: Cách khá xa trung tâm TP Cao Bằng, động Dơi nằm trên lưng chừng núi đá vôi, khoác lên mình vẻ đẹp hoang sơ, bí ẩn. 

Công viên Địa chất Non nước

Vẻ kỳ ảo, độc đáo ở động Dơi. Ảnh: Vietnamplus

Động Dơi dài gần 1km, cao trung bình từ 60 – 80m, gồm 3 khoang ngăn cách nhau bằng những vách đá. Khoang thứ nhất có hồ nước nhỏ, các nhũ đá nhiều hình thú, khoang thứ hai gồm các khối đá hình ngọn núi, ruộng bậc thang. Đến khoang thứ ba, bạn sẽ bắt gặp các cây măng đá từ trần động rủ xuống vô cùng độc đáo. 

2. Đi Cao Bằng nên ăn gì?

Không chỉ Công viên Địa chất Non nước, ẩm thực cũng là nét thu hút khách du lịch đến với Cao Bằng. Đến đây, bạn hãy thử thưởng thức các món ăn đặc sản của người dân địa phương như lạp xưởng, hạt dẻ, vịt quay bảy vị, thịt lợn chua, bánh gai, bánh khảo, miến dong... 

Công viên Địa chất Non nước

Cao Bằng có rất nhiều đặc sản thơm ngon, hấp dẫn. Ảnh: Trường

Món nào món nấy cũng rất dân dã, mộc mạc như chính con người nơi đây và có mức giá phải chăng. Do đó, bạn không cần quá lo về việc “cháy túi” sau chuyến đi này đâu nhé. 

Trên đây là cẩm nang du lịch Công viên Địa chất Non nước tại Cao Bằng cho bạn và gia đình. Theo vinh đệ lộc để cập nhật thêm nhiều điểm đến mới cùng kinh nghiệm vi vu hữu ích cho chuyến đi sắp tới của mình nhé. 

Viết bình luận

Bạn đã gửi bình luận thành công. Chúng tôi sẽ đăng bình luận của bạn sau khi kiểm duyệt.