Từ Cauchy China đến Cochinchina P3

Chúa Nguyễn Hoàng, có thể coi là thủy tổ của xứ Đàng Trong, sinh ngày 28 tháng 8 năm 1525, còn tên CAUCHY CHINA thì có từ khoảng 1512-1515 tức là 10 năm trước khi Chúa Nguyễn Hoàng chào đời.

Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, đất nước Việt Nam chúng ta cũng đã nhiều lần được thay đổi tên gọi. Từ một tấm bản đồ được Hoàng gia Tây Ban Nha tặng, nhà nghiên cứu Trần Gia Ninh đã viết loạt bài mạn đàm về dải đất hình chữ S dưới con mắt của các nhà hàng hải phương Tây xưa. Tạp chí Khám phá trân trọng gửi đến quý bạn đọc bài viết khá thú vị và đầy ắp thông tin này.

Vậy là nước Đại Việt ta lại một lần nữa (sau Marco Polo) được ghi danh bởi phương Tây không phải là Đại Việt. Mà là CAUCHY CHINA trong tiếng Bồ Đào Nha, tiếng Pháp và tiếng Anh gọi là COCHINCHINA.

Người ta cho rằng CAUCHY là do Tome Pires phiên âm từ tên mà người dân ở Malacca gọi “Giao Chỉ” bằng tiếng Malaya. Bởi vì để khỏi lẫn với CAUCHI (tức KOCHI) cứ điểm của Bồ Đào Nha ở Ấn Độ nên Pires mới thêm vào chữ CHINA.

Từ Cauchy China đến Cochinchina - 1

Lộ trình các thuyền buôn của thương gia, nhà thám hiểm phương Tây qua Đông Nam Á xưa

Nhiều học giả Việt Nam cho rằng COCHINCHINA là tên chỉ xứ Đàng Trong. Đó là ngộ nhận, vì khi tên Cochinchina xuất hiện thì làm gì đã có Đàng Trong. Chúa Nguyễn Hoàng 阮潢, có thể coi là thủy tổ của xứ Đàng Trong sinh vào ngày 28 tháng 8 năm 1525, còn tên CAUCHY CHINA thì có từ khoảng 1512-1515 tức là 10 năm trước khi Chúa Nguyễn Hoàng chào đời.

Một câu hỏi được đặt ra là tại sao trên dải đất hình chữ S lúc bấy giờ có ba quốc gia mà chỉ có hai quốc gia là Cambodgia và Champa được người phương Tây gọi đúng tên, còn Đại Việt ta thì không?

Điều này có thể lý giải rằng người phương Tây tới phương Đông đầu tiên (Marco Polo) theo đường bộ (con đường tơ lụa) đến Trung Hoa rồi có lẽ sau đó mới nghe nói đến nước ta (hoặc có thể có đến nước ta), do đó họ gọi tên nước ta theo cách gọi của người Trung Hoa.

Từ Cauchy China đến Cochinchina - 2

Hành trình của Marco Polo qua Châu Á hồi thế kỷ XIII

Về sau người phương Tây (Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hà Lan…) đến viễn đông thường theo đường biển. Hải trình của họ thường từ eo Malacca đến một hải cảng nào đó của Champa, có lẽ là vùng Phú Yên - Khánh Hòa ngày nay rồi từ đó đi về phía đông Hải Nam đến Macao, Nhật Bản mà không đi men theo bờ biển vịnh Bắc Bộ. Như vậy, họ không tiếp xúc trực tiếp với người của triều đình Việt, nên họ gọi tên nước ta theo cách gọi họ nghe được từ Malacca.

Cũng nên lưu ý rằng cứ điểm đầu tiên của Bồ Đào Nha ở Viễn Đông không phải là ở nước ta mà ở Macao Trung Hoa cũng là vì lý do thuận tiện của hải trình.

Năm 1513, Jorge Álvares trở thành người Bồ Đào Nha đầu tiên đặt chân đến Trung Quốc. Năm 1535, các thương nhân Bồ Đào Nha đã có được quyền neo tàu ở các bến cảng của Ma Cao và thực hiện hoạt động giao thương, mặc dù không có quyền ở trên bờ. Khoảng 1552–1553, họ giành được sự cho phép tạm thời để lưu trữ hàng hóa trên kho được dựng trên bờ, họ nhanh chóng xây dựng các ngôi nhà thô sơ bằng đá quanh khu vực mà nay được gọi là Nam Loan.

Năm 1557, người Bồ Đào Nha thành lập một khu dân cư lâu dài tại Ma Cao, trả 500 lạng bạc mỗi năm cho tiền thuê đất. Người Bồ Đào Nha tiếp tục trả tiền thuê hàng năm cho đến năm 1863 để được quyền ở tại Ma Cao.

Mọi giao thương với Đại Việt của ngươi Bồ Đào Nha, kể cả việc truyền giáo của các tu sĩ, đều xuất phát từ Macao. Cho nên không lạ gì khi họ gọi nước Đại Việt ta theo tên gọi khác mà Trung Hoa sử dụng.

Mà các triều đại Trung Hoa thì không bao giờ thừa nhận tên nước Đại Cồ Viêt (thời Đinh Tiên Hoàng), nước Đại Viêt ( thời Lý, Trần, Lê) hay Đại Ngu (thời nhà Hồ). Họ luôn gọi nước Việt ta là An Nam-安南-, xuất xứ từ  một tên gọi được nhà Đường thời Bắc thuộc đặt ra, là An Nam Đô Hộ Phủ-安南都護府.

Từ Cauchy China đến Cochinchina - 3

Các giáo sĩ dòng Tên (tức là Dòng [theo Tên] Chúa Giêsu; tiếng La Tinh: Societas Iesu, tiếng Pháp: Jésuit) người phương Tây từ Macao sang Đại Việt truyền giáo vào thế kỷ 17 trở đi đều gọi tên nước Đại Việt ta là An Nam là theo cách gọi của các triều đại Trung Hoa.

http://khampha.vn

Viết bình luận

Bạn đã gửi bình luận thành công. Chúng tôi sẽ đăng bình luận của bạn sau khi kiểm duyệt.