Thượng Hải – cái nôi của những phim trường cổ trang tráng lệ
Thượng Hải (Trung Quốc) sở hữu nhiều nhất những phim trường cổ trang làm nên các bộ phim Hoa ngữ đi cùng năm tháng. Đó cũng là nơi có bề dày lịch sử văn hóa được gìn giữ lâu đời.
Cổ trấn Chu Gia Giác: Thị trấn cổ Chu Gia Giác nằm ở vùng Trung Nam quận Thanh Bổ, thành phố Thượng Hải, giáp với khu du lịch hồ Điện Sơn. Sở hữu con sông Tào Cảng uốn mình chảy quanh, Chu Gia Giác được ví như “Venice” của Thượng Hải. Ảnh: @mysassyfoodblogger.
Nhìn trên bản đồ, thị trấn nhỏ này có hình dáng một chiếc quạt gấp. Trải qua 1.700 năm lịch sử, gần như mọi giá trị văn hóa ở Chu Gia Giác vẫn được gìn giữ nguyên vẹn. Năm 1991, chính quyền thành phố Thượng Hải đã đưa Chu Gia Giác vào danh sách danh trấn văn hóa nơi đây. Đây là bối cảnh của biết bao bộ phim cổ trang nổi tiếng màn ảnh Trung Quốc. Ảnh: @liva_koz.
Một trong những điểm nhấn của Chu Gia Giác là 36 cây cầu vòm bắc ngang sông làm nhịp nối cho người dân sinh sống quanh thị trấn. Cây cầu lớn nhất là cầu Phóng Sinh, ra đời năm 1571, đến nay đã hơn 400 năm. Cây cầu vẫn vẹn nguyên như xưa, trở thành biểu tượng của cổ trấn. Ảnh: @ferryadhi.
Chu Gia Giác nổi tiếng với nhất kiều (cầu Phóng Sinh), nhất nhai (đường Bắc Đại), nhất tự (Báo Quốc tự), nhất miếu (miếu Thành Hoàng), nhất thính (phòng lớn Tịch Thị), nhất quán (nhà tưởng niệm Vương Sưởng), nhị viên (Khóa Trực Viên và Chu Khê Viên), tam vịnh (vịnh Tam Dương, vịnh Kiều Tử, vịnh Di Đà), nhị thập lục lộng (26 ngõ hẻm). Ảnh: @chinadestination.
Chu Gia Giác như tách biệt với khung cảnh nhộn nhịp hối hả với thành phố phồn hoa bậc nhất Trung Quốc, luôn ẩn mình đẹp tựa bức họa cổ yên bình. Ảnh: @ di_film.
Thị trấn cổ Phong Kinh: Cố trấn Phong Kinh là một trong tám danh lam thắng cảnh thuộc phường Tân Hộ, Thượng Hải. Thị trấn cổ yên bình mang nét thủy mặc đặc trưng vùng Giang Nam. Nơi đây in dấu tàng tích những câu chuyện thần bí từ thời Tống, Nguyên còn lưu truyền đến tận ngày nay. Ảnh: Mafengwo.
Phong Kinh được đánh giá là cổ trấn thủy mặc Giang Tây điển hình, vì thế mà bao quanh Phong Kinh chỉ toàn sông nước. Theo đó, những cây cầu cũng xuất hiện dày đặc, đến chừng 52 cây cầu bắc ngang sông. Một trong những cây cầu lâu năm nhất là cầu Nguyên Đại Chí Hòa, có niên đại đến 700 năm. Cổ trấn Phong Kinh được nhiều đạo diễn chọn làm phim trường, phải kể đến bộ phim điện ảnh “No Limit” sản xuất năm 2011 do đạo diễn Phó Hoa Dương phụ trách. Ảnh: Mafengwo.
Phim trường Chedun – Thượng Hải: Phim trường Chedun (thuộc huyện Songjiang, phía Tây Nam Thượng Hải, Trung Quốc), chính thức mở cửa năm 1998, là phim trường khổng lồ, ghi dấu hàng loạt những bộ phim nổi tiếng của điện ảnh Trung Hoa. Khung cảnh phim trường tái hiện lại xã hội Trung Quốc những năm 1930. Ảnh: @arspiratio.
Bên cạnh là nơi quay phim, phim trường Chedun cũng là một địa điểm thu hút du khách khi đến du lịch Thượng Hải. Phim trường thường mở cửa cho khách tới tham quan từ 8h30 đến 16h30. Đôi khi bạn sẽ bắt gặp những đoàn phim đang thực hiện những cảnh quay tại đây. Ảnh: @Trangmon.
Các công trình trong phim trường tái hiện nguyên trạng Thượng Hải xưa, bao gồm một số hạng mục chính như đường Nam Kinh, đường Tây Nam Kinh, những con ngõ với cồng đá cổ kính, nhà thờ, cầu Ngoại Bạch, quảng trường, trường học, bệnh viện, rạp hát Hòa Bình, biệt thự kiểu Âu, những con kênh kiểu Tô Châu, doanh trại lính Nhật… Ảnh: @initial_lau.
Con đường Nam Kinh nổi tiếng với tuyến tàu điện ngang dọc, là cảnh quay quen thuộc với các nữ sinh trong bộ đồng phục xanh trắng đạp xe đi học. Những nhà kho rộng lớn – địa điểm quay những bộ phim hành động với các pha ẩu đả, tranh hùng đoạt bá nơi bến Thượng Hải cách đây gần một thế kỷ. Tất cả đều có ở phim trường Chedun. Ảnh: @arspiratio.
Theo Bích Phương/Zing news
Viết bình luận
Bạn đã gửi bình luận thành công. Chúng tôi sẽ đăng bình luận của bạn sau khi kiểm duyệt.