Songkran - Lễ hội Té Nước độc đáo đón năm mới của Thái Lan

Thái Lan là một quốc gia Đông Nam Á có khá nhiều lễ hội độc đáo và quy mô trong khu vực. Trong đó, Tết Songkran được xem là ấn tượng và tưng bừng hơn cả khi người dân đồng loạt xuống phố, hòa mình vào những hoạt động cộng đồng, không phân biệt người lớn hay trẻ em.

Với nền văn hóa phong phú và hoành tráng trong các lễ hội, thì nhất định các bạn trẻ nên đi du lịch Thái Lan 1 lần để tham gia Songkran - lễ hội Té Nước vô cùng độc đáo ở xứ Chùa Vàng.

Lễ-hội-Té-Nước-Thái-Lan
Lễ hội Té Nước Thái Lan

Thời gian diễn ra lễ hội Té Nước Songkran tại Thái Lan

Vì là quốc gia Phật Giáo, nên năm mới của Thái Lan bắt đầu vào ngày sinh của Đức Phật, tức là ngày 15/4. Từ năm 1941, Hoàng gia Thái quy định Tết Songkran bắt đầu vào ngày 13/4, kết thúc vào ngày 15/4 Dương lịch hàng năm, đánh dấu dịp "năm hết, tết đến" với nhiều lễ hội, cuộc diễu hành hay thi sắc đẹp.

Lễ-hội-Té-Nước-Songkran
Tắm Phật - Nghi thức trang trong lễ hội Té Nước Songkran của Thái

Ngày chính thức của Tết Songkran là 13/4, song với người Thái, ngày bắt đầu dịp lễ này là Wan Sungkharn Long (ngày 12/4). Trong ngày này, người ta dùng để dọn dẹp nhà cửa, bỏ cái cũ, mua sắm vật dụng, đồ ăn, thức uống.  

Ngày thứ 2 là Wan Nao (ngày 13/4)  có ý nghĩa như ngày 30 Tết ở Việt Nam, được gọi là ngày chuẩn bị. Ngày này, người dân Thái sẽ nấu nướng, bày biện thức ăn để dâng lên chùa vào sáng ngày tiếp theo.

Tết-Songkran
Các công cụ để té nước vào người nhau trong ngày Tết Songkran rất đa dạng, từ xô, chậu, súng phun nước cho tới voi

Ngày chính của Lễ hội Té Nước Songkran được gọi là Wan Payawan (ngày 14/4). Trong ngày này, người dân ăn mặc đẹp, dùng bữa cơm gia đình và lên chùa sớm. Sau nghi lễ ở chùa, họ dùng nước thơm lau tượng Phật để tỏ lòng thành kính và cầu may mắn. Đặc biệt, trong ngày này người Thái Lan không nói những điều xui xẻo, không làm hành động sai hay có ác tâm.

Ngày cuối cùng của Tết Songkran được gọi là Wan Parg-bpee (ngày 15/4). Trong ngày này, người Thái sẽ đi đến nhà họ hàng lớn tuổi và thực hiện nghi thức “Rod Nam Dam Hua” - nhẹ nhàng rưới nước thơm lên tay những bậc tiền bối. Đây được xem như là cách để bày tỏ tình yêu thương và lòng tôn kính đối với họ.

Songkran-Thái-Lan
Lễ hội Té Nước Songkran Thái Lan

Nghi thức quan trọng nhất của Songkran là lễ tắm Phật tại chùa. Sau khi hoàn thành nghi thức này, lễ hội té nước sẽ được bắt đầu.

Ý nghĩa của Lễ hội Té nước Songkran Thái Lan

Theo quan niệm của người Thái, việc té nước vào người khác mang ý nghĩa giúp họ gột rửa những điều chưa tốt trong năm cũ, đón nhận sự may mắn trong năm mới. Ngày xưa, nước sử dụng trong dịp này phải có mùi thơm và chỉ té vào các thành viên trong gia đình, bạn bè thân hữu.

Tết-Songkran
Lễ hội Té Nước Songkran Thái Lan mang ý nghĩa giúp gội rửa những điều chưa tốt trong năm mới

Ngày nay, lễ hội Té Nước Thái Lan được mở rộng thành lễ hội dành cho du khách trong và ngoài nước. Do vậy, khi lễ hội bắt đầu, mọi người sẽ dùng mọi thứ có thể đựng nước như: xô, chậu, vòi nước, súng phun nước…  để té nước vào nhau. Những ai càng được té nhiều nước được tin rằng sẽ nhận nhiều may mắn trong năm mới.

Lễ hội Té Nước Songkran được tổ chức ở đâu?

Lễ hội té nước Songkran được tổ chức ở khắp nơi trên đất Thái Lan. Tuy nhiên, mỗi vùng ở Thái Lan lại có tập tục và cách đón Songkran đôi chút khác biệt. Ở thủ đô Bangkok thường là nơi tổ chức các hoạt động chào mừng lớn nhất. Các hoạt động tại Bangkok gồm té nước ở đường Khao San, Phra Athit, quảng trường Hoàng gia Rattanakosin...

Songkran
Lễ hội Té Nước Songkran Thái Lan thu hút rất nhiều du khách nước ngoài tham gia

Ngoài ra, Lễ hội Songkran ở Pattaya thì nhộn nhịp với cuộc thi nhan sắc và Hoa hậu Songkran. Songkran tại Phuket gồm: té nước ở Soi Bangla, diễu hành thuyền hoa, cuộc thi nhan sắc Songkran nhí...

Tuy nhiên nếu có dịp đi tour du lịch Thái Lan thì nên tới Chiang Mai – nơi được mệnh danh là "thủ đô" của Songkran với lễ hội té nước đầy màu sắc. Người Chiang Mai thường sửa soạn từ trước đó cả tháng, lo trang hoàng lại nhà cửa, chùa chiền. Với quan niệm càng ướt càng vui và hạnh phúc, dân bản địa nơi đây chuẩn bị kỹ các dụng cụ té nước vào người nhau.

Songkran
Lễ hội Té Nước mang ý nghĩa đón năm mới của Thái Lan

Sau khi vui thỏa với việc chúc phúc bằng nước, họ bắt đầu ăn mừng suốt ba ngày. Songkran còn là dịp nghĩ tới những người đã khuất nên dân cư Chiang Mai thường chuẩn bị những bữa ăn thịnh soạn để cúng tổ tiên, sau đó mới vui chơi. Cũng trong dịp này, họ còn làm lễ buộc chỉ cổ tay như một hình thức chúc may mắn trong năm mới.

Lễ hội Té Nước Songkran thực sự là một lễ hội rất đặc sắc của Thái Lan mà ban nên tham gia 1 lần. Ngoài việc té nước vui nhộn, lễ hội Songkran còn có tiết mục ca múa nhạc truyền thống, các cuộc diễu hành, các góc ẩm thực địa phương với những món ăn đặc sắc và có cả cuộc thi sắc đẹp đầy hấp dẫn chắc chắn sẽ là một trải nghiệm khó quên với bất cứ ai nếu có cơ hội được tham gia trên đất nước Chùa Vàng.


Sưu tầm

dulichvietnam.com.vn

Viết bình luận

Bạn đã gửi bình luận thành công. Chúng tôi sẽ đăng bình luận của bạn sau khi kiểm duyệt.