Quần đảo thiên đường

Người ta thường ví Hawaii như một viên ngọc từ trên trời rơi xuống Thái Bình Dương, bởi vẻ đẹp có một không hai của quần đảo này. Thế chiến thứ hai, nơi đây từng diễn ra những trận chiến ác liệt giữa Nhật Bản và Mỹ. Thế nhưng tới nay, quần đảo này lại là điểm thu hút khách du lịch hàng đầu thế giới.

Quần đảo thiên đường

Nhân 75 năm ngày diễn ra trận chiến Trân Châu Cảng lịch sử (1941-2016), Jim Michaels- một học giả chuyên nghiên cứu về Hawaii đã viết bài đăng trên  báo USA Today.

Về lý do người Mỹ đến quần đảo này, Jim viết: Khi nghề săn cá voi lên tới cao điểm vào năm 1846, có tới gần 800 tàu đánh bắt cá voi xin cập cảng ở khu vực quần đảo Hawaii, chủ yếu là tàu mang cờ Mỹ, theo lịch sử ngành hải quân Mỹ.

Để bảo vệ các tàu đánh bắt cá voi thương mại trước nạn hải tặc hoặc các quốc gia đối nghịch, hải quân Mỹ phải cử các tàu tuần tra thường trực tới đây. Kể từ đó, trên quần đảo bắt đầu hình thành các thị trấn, trong đó nổi bật là Honolulu và Lahaina.

Thế nhưng, từ cuối thế kỷ 19, thời kỳ bùng nổ của ngành săn cá voi Hawaii cũng qua đi.

Thế nhưng, người Mỹ vẫn đánh giá đây là khu vực hết sức thuận tiện để xây dựng quân cảng. Lịch sử hải quân Mỹ ghi nhận, Trung tướng John Schofield và Chuẩn tướng B.S. Alexander lên tàu USS California tới Hawaii vào năm 1873 trong một đợt công tác bí mật “nhằm kiểm tra năng lực phòng thủ và các cơ sở có tiềm năng thương mại của quần đảo Hawaii”. Và họ đã phát hiện ra Trân Châu Cảng.

Quần đảo thiên đường

Một màn biểu diễn với lửa của người Polynesia.

Sau chiến tranh Mỹ - Tây Ban Nha năm 1898, Mỹ sáp nhập Hawaii và từ đó họ xem xét nghiêm túc hơn nhu cầu tăng cường hiện diện quân sự của mình ở Thái Bình Dương. Năm 1907, Tổng thống Roosevelt lệnh cho 16 chiến hạm đi vòng quanh thế giới. Họ ghé lại Trân Châu Cảng và từ đó người Mỹ đã nâng Trân Châu Cảng lên một tầm cao mới.

Nhưng Hawaii không chỉ có Trân Châu Cảng, Honolulu... mà điều quan trọng nhất khiến nó nổi bật chính là cảnh quan thiên nhiên hết sức sống động và một nền văn hóa bản địa nhiều màu sắc vô cùng độc đáo.

Hawaii nổi tiếng là vùng đất với nhiều núi lửa, cho dù đã thôi không hoạt động. Đi đâu trên quần đảo này người ta cũng thấy những dấu vết của núi lửa. Và cũng chính vì sự tàn lụi của nó đã làm nên một tiểu vùng địa lý, khí hậu hét sức khác biệt.

Trên 132 hòn đảo lớn nhỏ của Hawai, tới nay núi lửa hầu như đã lụi tàn nhưng người ta vẫn lo ngại không biết đến lúc nào đó nó lại trỗi dậy. Dẫu thế thì người ta vẫn kéo tới Hawaii để làm ăn sinh sống. Và còn đông hơn thế nữa là lượng khách du lịch từ khắp nơi trên thế giới đổ về.

Với 132 đảo lớn nhỏ, Hawaii giống như một chuỗi ngọc dài 2.450 km từ đông nam kéo đến tây bắc của Thái Bình Dương. Quần đảo có diện tích  lên đến 1,67 triệu km2, trong đó 8 đảo lớn nhất là Hawaii, Wahu, Kaoai, Nihao, Maluokai, Lanai và Rahuoaolawui. 

Quần đảo thiên đường

Một ngọn núi lửa đã tắt trên đảo Honolulu.​​​​​

Người ta cho rằng, người Polynesia là cư dân bản địa lâu đời nhất ở đây. Năm 1778, nhà hàng hải người Anh, thuyền trưởng Cook, đã đặt chân đến đây. Nhưng lúc bấy giờ nó vẫn chưa được nhiều người biết đến, chỉ từ khi thương mại hàng hải phát triển thì Hawaii mới chính thức “có tên” trên bản đồ thế giới.

Cùng với những chuyến giao thương, người từ các nước châu Âu, châu Á đã lần lượt đến nơi này sinh sống. Tới nay, số dân bản địa được coi là còn rất ít, bởi quá trình phát triển đã có sự giao thoa giữa các chủng tộc. Kể cả việc phát triển du lịch từ giữa thế kỷ 20 cũng đưa tới cho quần đảo này sự thay đổi rất mạnh về cơ cấu dân cư. 

“Viên ngọc Thái Bình Dương” Hawaii có khí hậu lý tưởng quanh năm. Trung bình của tháng lạnh nhất cũng chỉ dừng ở mức 22 độ C, còn nóng nhất không quá 36 độ C. Quần đảo được những làn gió mát thổi vào từ biển cả, khiến cho độ ẩm không khí rất thuận lợi. Vì vậy, cây cối quanh năm xanh tốt, các loại thực vật nhiệt đới đua nhau sinh trưởng. Nhưng, ở những đỉnh núi cao, nơi không có người ở, mùa đông cũng có tuyết rơi, tạo cho Hawaii thêm phần diễm lệ.

“Trung tâm văn hóa Polynesia” trên đảo Wahu là nơi thơ mộng nhất của quần đảo Hawaii, là điểm thu hút nhiều khách du lịch nhất. Đây cũng là nơi tập trung người bản địa của quần đảo. Bước vào khu làng Polynesia, người ta ấn tượng rất mạnh với một nền văn hóa kỳ lạ.

Những hồ nước uốn lượn khúc khuỷu đã khéo léo chia nơi đây thành các thôn trang: Hawaii, Samoa, Fiji, Tangsu, Daxiti, Makesas, đại diện cho những đặc điểm văn hóa khác nhau của Polynesia. Mỗi thôn được xây dựng theo phong tục truyền thống, tuy nhiên khá giống nhau ở những ngôi nhà có mái lợp bằng cỏ tranh, và giữa thôn có những con nhỏ được chính người dân đào ra để nối liền các cụm dân cư với nhau.

Quần đảo thiên đường

Vũ điệu Hawaii.

Nơi đây, không ngày nào là không có lễ hội, không có những buổi biểu diễn nghệ thuật. Người ta nói rằng, trong máu người Polynesia đã có sẵn chất nhảy múa, biểu diễn. Ai cũng có thể ngay lập tức trở thành vũ công với những bước nhảy thanh thoát, thân hình uốn cong giàu cảm xúc.

Tới khu trung tâm văn hóa của người Polynesian, người ta còn có dịp tìm hiểu quá trình định cư của cư dân trên quần đảo Hawaii, thông qua việc tái hiện những cuộc vượt biển nguy hiểm nhất bậc nhất của của loài người bằng những chiếc thuyền không mui, băng qua những vùng đại dương mênh mông đầy sóng gió. Chính những con người thoát chết trong những hành trình gian nan ấy đã dựng lên những ngôi làng trên quần đảo này.

Cho tới nay, ngày càng nhiều những đoàn làm phim, những nhiếp ảnh gia và người mẫu đến Hawaii thực hiện công việc của mình. Họ đã đem đến cho quần đảo sức sống mới, hiện đại và vương giả. Cũng thật thú vị khi nơi này còn là “trung tâm đám cưới” của rất nhiều cặp đôi đến từ châu Âu, châu Mỹ và sau này những cặp đôi giàu có từ Trung Đông cũng tới đây hưởng tuần trăng mật ngọt ngào nhất trong cuộc đời.    

Thế Tuấn (Nguồn tham khảo: USA Today)

Viết bình luận

Bạn đã gửi bình luận thành công. Chúng tôi sẽ đăng bình luận của bạn sau khi kiểm duyệt.