Nhà cổ Bình Thủy ở Cần Thơ

Nhà cổ Bình Thủy hay nhà thờ họ Dương là một di tích quan trọng nằm trên đường Bùi Hữu Nghĩa (phường Bình Thủy, quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ). Chủ nhân đầu tiên của ngôi nhà này là ông Dương Chấn Kỷ, một điền chủ, một thương gia trí thức giàu có. Ngôi nhà được xây dựng từ năm 1870 đến năm 1911, là sự kết hợp hài hòa gữa hai nền văn hóa Đông - Tây theo kiểu “Nội ứng ngoại hợp”, tức là bên trong ứng với mỹ thuật truyền thống và văn hóa phương Đông, bên ngoài hòa hợp với kiến trúc phương Tây và quang cảnh thiên nhiên.

Trải qua hai cuộc chiến tranh ác liệt, mặc dù nhiều công trình xung quanh bị bom đạn phá hủy, nhưng riêng ngôi nhà cổ Bình Thủy may mắn còn nguyên vẹn và được bảo vệ, gìn giữ cho đến ngày nay. Nhiều năm qua, nơi đây đã trở thành địa chỉ văn hóa - du lịch đón tiếp nhiều đoàn khách trong và ngoài nước đến tham quan, học tập, nghiên cứu. Đồng thời, ngôi nhà cũng được nhiều đoàn làm phim lựa chọn làm bối cảnh cho nhiều bộ phim. Nổi tiếng nhất trong số đó phải kể đến bộ phim “Người tình” của đạo diễn người Pháp J.J Annaud hay bộ phim “Người đẹp Tây Đô”, “Công tử Bạc Liêu”… của điện ảnh Việt Nam.

nhà cổ Bình Thủy
Nhà cổ Bình Thủy

Cũng như nhiều công trình của các gia đình giàu có, quyền quý ở Nam bộ được xây dựng cuối thế kỷ XIX, nhà thờ họ Dương tọa lạc trên thửa đất rộng 6.000m2, theo hướng Đông - Tây. Bước qua rào cổng kiên cố bằng bê tông và sắt theo kiểu dinh thự Pháp là một cổng phụ được xây dựng theo lối kiến trúc Á Đông. Mặt trước cổng có gắn bảng “Phước An Hiệu”.

Có một điểm lý thú là tọa lạc ở vùng khí hậu nóng, ẩm quanh năm nhưng bước vào căn nhà cổ Bình Thủy, du khách luôn cảm thấy mát mẻ dù trong nhà không hề có quạt điện hay máy lạnh. Bí quyết giúp ngôi nhà luôn mát mẻ như vậy là do nhà được xây cách mặt đất đến 1m, bên dưới được đổ một lớp muối hột trước khi lót nền bằng gạch. Ngoài ra, công trình cũng được lợp tới 3 lớp ngói, trong đó lớp ngói cuối cùng được lót vôi bột trắng cũng với tác dụng cách nhiệt, tạo sự thông thoáng, mát mẻ cho cả không gian. 

Khoảng sân của ngôi nhà khá rộng, được lát gạch Tàu và trồng các loại cây cảnh quý như: Cau, tùng, phát tài, sứ Thái Lan, vú bò, xương rồng Mexico… Giữa sân có một hòn non bộ vừa trang trí vừa làm bức bình phong cho khu nhà chính. Có 4 cầu thang dẫn lên nhà chính, trong đó 2 cái dẫn lên thẳng hai gian ngoài cùng, hai cái hình cánh cung dẫn vào gian giữa, nơi có cửa gỗ lá sách theo phong cách Art - Nouveau rất thịnh hành ở châu Âu đầu thế kỷ XX.

Nhà trước gồm 5 gian là nơi tiếp khách quan trọng, được trang trí theo phong cách Tây Âu. Nền nhà được lát gạch hoa nhập từ Pháp, trần trang trí hoa văn, treo đèn Tây Âu. Bộ bàn ghế bằng gỗ được chế tác theo kiểu Louis XV, đặc biệt là một chậu rửa mặt bằng men sứ trắng hoa xanh đặt trên bục gỗ và một máy chạy đĩa của Pháp rất hiếm. Nhà giữa gồm 5 gian, trong đó 3 gian là nơi thờ tự với bàn hương án, khánh thờ, liễn đối… đều được làm bằng gỗ khảm xà cừ. Nhà sau dùng để tiếp khách. 

Với lối kiến trúc vừa mang phong cách hiện đại của châu Âu nhưng vẫn giữ được dáng vẻ thuần Việt một cách hài hòa, có chọn lọc, theo thời gian, ngôi nhà cổ Bình Thủy càng cho thấy những giá trị văn hóa - lịch sử có giá trị. Bởi thế, công trình đã được công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia, là điểm đến thu hút du khách suốt nhiều năm qua.

Ngọc Quỳnh
Theo Báo Du lịch

Viết bình luận

Bạn đã gửi bình luận thành công. Chúng tôi sẽ đăng bình luận của bạn sau khi kiểm duyệt.