Năm mới đến chùa Nhật Bản cầu mong điều tốt lành
Năm mới, người Nhật Bản có thói quen đi lễ chùa. Đây đồng thời cũng là một phong tục truyền thống của người Nhật Bản, với mong muốn cầu cho năm mới những điều tốt đẹp nhất.
Nhật Bản là một quốc gia châu Á với nền văn hóa đặc trưng. Mặc dù là một đất nước có nền kinh tế phát triển, khoa học công nghệ tiên tiến, tuy nhiên, người Nhật Bản từ xưa đến này vẫn giữ cho mình những đặc sắc văn hóa, nét truyền thống từ bao đời để lại. Văn hóa lễ chùa ở Nhật Bản là một trong những nét đặc biệt trong văn hóa nơi đây.
Đi lễ chùa là một trong những nét đặc trưng của người Nhật Bản
Một số nét nổi bật của văn hóa lễ chùa ở Nhật Bản
Trong ngày 30 Tết, tất cả các thành viên trong gia đình đều gác lại những công việc của năm cũ để cùng nhau sửa soạn nhà cửa đón Tết. Người Nhật đón giao thừa khác với Việt Nam. Thường thì họ sẽ thức để nghe đủ 108 tiếng chuông đón giao thừa, sau đó họ cùng nhau thức trắng đêm để đón ánh bình minh đầu tiên trong ngày.
Đi lễ chùa ở Nhật Bản phải tuân thủ nhiều quy tắc khắt khe
Người Nhật Bản rất coi trọng việc lễ chùa đầu năm. Trước đây, người ta thường đi lễ chùa vào đêm giao thừa. Nhưng trong xã hội hiện đại, 3 ngày đầu năm sẽ là khoảng thời gian người Nhật đi lễ. Nhà nhà, người người cùng nhau đi lễ, cầu cho một năm mới an khang, mưa thuận gió hòa, cầu cho mọi điều tốt đẹp sẽ đến với chính mình và những người xung quanh. Dù năm mới công việc có bận rộn đến đâu, dù cao sang hay nghèo hèn, dù làm ngành nghề gì đi chăng nữa, thì năm mới, mọi người cũng sẽ quy tụ về đền, chùa để hành lễ.
Trước khi vào thăm viếng, người ta phải rửa tay. Sau đó sẽ mua những tờ giấy omikuji (giấy bói tương lai của bạn năm mới), omamori (bùa phù hộ mẹ tròn con vuông, an toàn giao thông, làm ăn phát tài,…), ofuda (các thẻ cầu nguyện thi đậu,..). Lễ chùa không chỉ xuất hiện trong năm mới, đây còn là một thói quen, một tập tục của người Nhật trước một khoảnh khắc hoặc một sự kiện đặc biệt của mỗi người. Học sinh ở Nhật Bản rất nặng nề trong việc học hành, thi cử. Người nhà sẽ đi lễ chùa thường xuyên để cầu cho con cái mình học hành, thi cử đỗ đạt. Chẳng thế mà những lá bùa cầu may mắn cũng được bán rất nhiều ở các đền chùa Nhật Bản.
Nhiều lá bùa, tấm thẻ cầu mong mọi điều tốt đẹp sẽ đến được bày bán nhiều ở chùa
Đi lễ chùa cho đến nay đối với người Nhật Bản như một thói quen trong năm mới. Điều này đã ăn sâu vào tiềm thức của con người Nhật Bản. Để rồi, mỗi một đứa trẻ được sinh ra đều hiểu, đều háo hức được đến lễ chùa đầu năm.
Những lưu ý khi lễ chùa đầu năm ở Nhật Bản
Văn hóa truyền thống Nhật Bản rất coi trọng phép tắc, mực thước, đặc biệt là đến những chốn linh thiêng như đền, chùa. Từ cách đi vào cổng chùa, đến cách thức trước khi vào lễ bái cũng cần phải cần trọng, trang nghiêm. Nếu bạn là du khách đến Nhật Bản hoặc bạn đang đón cái Tết đầu tiên tại Nhật Bản thì những lưu ý dưới đây rất có ích cho bạn đấy.
Các đền thờ thần đạo thường có cổng gọi là Tori, bước qua cánh cổng là phạm vi của đền chùa, cho nên trang phục cần phải trang nghiêm, chỉnh tề. Trên lối đi dẫn vào trong đền, bạn nên đi né sang bên phải hoặc bên trái. Bởi theo quan niệm của người Nhật Bản, lối đi chính giữa là để dành cho thần linh. Điểm này cũng dễ gây nhầm lẫn đối với nhiều người khi đến với Nhật Bản.
Dù bạn có nhiều hay ít thời gian, dù bạn đang đứng sau hàng nghìn người đang lễ chùa thì nguyên tắc đầu tiên bạn phải nhớ, đó là xếp hàng. Xếp hàng không những là văn hóa của người Nhật, nó còn đặc biệt hơn ở không gian trang nghiêm của các ngôi đền, chùa.
Sau khi đến cổng sau chùa, trật tự theo hàng đi tới gian nhà gọi là Chozuya, nơi có một cái bể chứa nước sạch mát lành để rửa miệng và tay như là một cử chỉ “tẩy uế” trước khi đến kiến thần linh. Đừng vội vàng, đừng chủ quan nếu như lần đầu bạn đến lễ chùa ở Nhật Bản. Sẽ còn có rất nhiều thứ mà bạn phải học đấy. Đầu tiên, hãy lấy gáo múc nước bằng tay phải rồi từ từ đổ lên tay trái. Sau đó, làm tương tự với tay phải, múc nước đổ vào lòng bàn tay rồi nhẹ nhàng đưa lên miệng. Bạn tuyệt đối không được cầm gáo múc nước trực tiếp đưa lên miệng. Sau đó múc nước dội sạch tay trái một lần nữa, múc nước rồi dùng hai tay dựng thẳng gáo lên để nước chảy xuống làm sạch tay cầm. Từ từ để lại gáo như lúc ban đầu.
Rửa tay trước khi vào lễ chùa là một nét đặc biệt ở Nhật Bản
Ở các điện thờ, người Nhật Bản thường rung chuông, sau đó bỏ các đồng tiền may mắn vào hòm lộc và chắp tay cầu nguyện cho những điều tốt đẹp nhất sẽ đến với bản thân và gia đình. Đồng tiền được ưa thích nhất khi đi lễ chùa ở Nhật Bản là đồng 5 Yen. Bởi vì phát âm của đồng 5 Yen giống với chữ “Duyên”, nghĩa là sẽ mang lại may mắn cho cả năm.
Đi lễ chùa là một phong tục truyền thống đẹp có từ rất lâu đời. Đây không chỉ là khoảnh khắc để mọi người cầu cho năm mới an lành. Đó còn là dịp để người Nhật có thể gác lại những công việc, những bộn bề thường nhật để tĩnh tâm, thanh thản cầu cho một năm mới an lành, vui vẻ và gặp nhiều may mắn cho cả năm.
Năm mới đi lễ chùa cầu chúc mọi điều tốt đẹp sẽ đến
Không phải ngẫu nhiên mà người Nhật Bản lại coi trong phong tục này như vậy. Nó vừa mang màu sắc đạo Phật, vừa mang những nét riêng của người Nhật Bản. Một năm mới sẽ ý nghĩa hơn, vui hơn và tròn đầy hơn nếu được cùng gia đình, mặc trang phục truyền thống, đi lễ chùa vào đêm giao thừa, rồi cùng nhau thức để đón ánh nắng đầu tiên của năm mới.
Nguyễn Hằng
Theo Báo Du lịch
Viết bình luận
Bạn đã gửi bình luận thành công. Chúng tôi sẽ đăng bình luận của bạn sau khi kiểm duyệt.