Mối họa khôn lường khi check-in Facebook trong kỳ nghỉ

Người dùng mạng xã hội có thể đặt bản thân vào vòng nguy hiểm khi cập nhật liên tục về kỳ nghỉ trên Facebook.

Trước khi xuất hiện Internet, những kỳ nghỉ đáng nhớ khiến du khách mang về nhà nhiều kỷ niệm đẹp. Ngày nay, một kỷ nghỉ thành công thường được tính bằng lượt yêu thích của những tấm ảnh trên Facebook.

Mối họa khôn lường khi check-in Facebook trong kỳ nghỉ

Một tấm ảnh theo mô-típ quen thuộc của các cô nàng trước giờ "đi trốn". Ảnh: Pinterest.

Hiểm họa từ mạng xã hội

"Có một cơn cám dỗ thực sự khiến chúng ta liên tục đăng tải, ghi chép và lưu giữ những khoảnh khắc trong cuộc sống. Nhưng quan trọng là bạn phải vượt qua nó, đăng Facebook không phải điều bắt buộc", trích lời Daniel Post Senning, tác giả cuốn "Manners in a Digital World: Living Well Online" (Cách ứng xử trong thế giới kỹ thuật số: Sống tốt trên mạng).

Hãy đặt những ý kiến chủ quan sang một bên và nhìn nhận hiểm họa thực sự khi chia sẻ quá nhiều thông tin về kỳ nghỉ của bạn trên mạng xã hội. Không bàn đến khả năng làm phiền bạn bè trên mạng, bạn cần suy xét về nguy cơ bản thân đang mở cửa mời trộm vào nhà.

Dòng thông báo trên Facebook rằng chuyến bay của bạn từ Boston đến Copenhagen sắp khởi hành không khác nào để mọi người biết nhà mình sắp thành mồi cho trộm. Mỗi lần check-in tại một sòng bài Las Vegas, hay đăng ảnh bữa ăn sang chảnh giữa Paris, bạn đang bắc chiếc loa cho cả thế giới ảo biết rằng căn nhà ngoài đời thực không có ai trông nom. Nếu tag bạn bè đi cùng, bạn cũng đang đẩy họ vào nguy hiểm.

Mối họa khôn lường khi check-in Facebook trong kỳ nghỉ

Tấm ảnh cả gia đình đi chơi như thông điệp hấp dẫn dành cho bọn trộm: Vườn không nhà trống. Ảnh: G'Day World.

Jodi R.R. Smith, đến từ công ty tư vấn về những phép tắc ứng xử trong xã hội Mannersmith Etiquette Consulting tại Mỹ, cho biết: "An toàn quan trọng hơn những dòng trạng thái cập nhật. Bởi khi đăng bất cứ thứ gì, bạn đang lan tỏa thông tin của mình cho một đám đông trên mạng xã hội".

Một khảo sát được thực hiện ở Mỹ vào năm 2016 của công ty an ninh mạng Webroot cho thấy, 60% người trẻ thuộc thế hệ 8x, 9x và 10x chia sẻ những chuyến đi của mình trên mạng. Trong khi đó, chỉ 29% người ở độ tuổi từ 54 trở lên có xu hướng này.

Nếu bạn thực sự muốn chia sẻ mọi khoảnh khắc của những chuyến đi, bạn hãy đảm bảo cài đặt chế độ riêng tư cho tài khoản mạng xã hội, chỉ cho phép bạn bè và người thân xem được. Đừng quên nhờ ai đó để mắt đến ngôi nhà của mình.

Liều thuốc cho những người nghiện đăng Facebook

Lựa chọn tối ưu để tránh gặp rắc rối về an ninh hay an toàn là đợi đến khi về nhà bạn mới đăng tải hình ảnh kỳ nghỉ của mình. Đừng check-in tại sân bay, đăng tải lịch trình du hí hay bất kỳ bức ảnh nào lên Facebook khi bạn còn đang trên đường. Điều này có thể dẫn đến cái kết đắng cho ai thích cập nhật về mình mọi lúc mọi nơi khi đi chơi xa.

Giải pháp trên có vẻ khó khăn, nhưng nó cũng giúp bạn xử lý một vấn đề khác là nghiện đăng Facebook.

Audrey Scott, người đồng sáng lập trang blog du lịch Uncornered Market, nhận định: "Nhiều người thích chia sẻ ảnh ngay sau khi chụp. Họ không muốn đợi cho tới khi cuộc vui đã tàn. Nhưng chờ đợi sẽ cho họ thời gian để nhớ về khoảng ba hoặc bốn trải nghiệm ấn tượng nhất, để họ biết chia sẻ những điều có ý nghĩa nhất về chuyến đi".

Mối họa khôn lường khi check-in Facebook trong kỳ nghỉ

"Nắm tay em đi khắp thế gian" là một trong những bức ảnh tạo nên trào lưu trên mạng xã hội. Ảnh: NatGeo.

Một nghiên cứu của Psychological Science, tạp chí hàng đầu của Hiệp hội Khoa học Tâm lý (Association for Psychological Science) chỉ ra rằng, con người thường có xu hướng nghĩ kỳ nghỉ của họ rất tuyệt, trong khi không ai muốn nghe chuyện về điều đó. 

Theo Boston Globe, bạn nên tải một album cho một kỳ nghỉ, thay vì chia sẻ rời rạc từng tấm ảnh. Tác giả Daniel Post Senning có lời khuyên: "Hãy để mọi người cập nhật vừa đủ. Đừng để khối lượng thông tin bạn chia sẻ bóp méo thông điệp cơ bản bạn đang gửi đi. Đó là khi bạn bước qua cột mốc an toàn".

Những chuyên gia về mạng xã hội và nhiếp ảnh du lịch trên thế giới đồng tình rằng bạn nên đăng khoảng 10 tấm ảnh về kỳ nghỉ khi đã về nhà, hoặc nhiều hơn nếu chuyến đi quá hai tuần. Bạn có thể chọn ra một hoặc hai bức ảnh đẹp nhất của mỗi ngày để chia sẻ.

Daniel Noll, cây bút còn lại của Uncornered Market, chỉ ra rằng: "Đừng mắc kẹt với suy nghĩ rằng ảnh của mình đẹp tuyệt vời. Bạn nên nghĩ về bản thân như một người kể chuyện khi đăng ảnh và khoe khéo những khoảnh khắc đáng nhớ trong chuyến đi. Người dùng đã đủ bội thực với hình ảnh trên mạng xã hội rồi".

Những điều nên và không nên làm khi đăng ảnh du lịch trên mạng xã hội

Không nên chỉnh sửa ảnh quá đà. Có hàng nghìn ứng dụng và chương trình cho phép bạn thay đổi độ sáng hay hiệu ứng ảnh. Nhưng nếu lạm dụng, bạn sẽ khiến những bức ảnh trở nên kỳ cục và xa vời thực tế.

Nên đăng tải những hình ảnh khiến người khác muốn xách ba lô lên và đi. Mạng xã hội có thể chứa những bức ảnh truyền cảm hứng, ảnh đẹp sẽ cho mọi người trải nghiệm sống động về kỳ nghỉ của bạn.

Không nên chụp mọi bức ảnh đều có mặt mình. Dù bạn có ăn ảnh đến đâu, việc xuất hiện trong mọi khung hình sẽ khiến người xem mệt mỏi. Đôi khi phong cảnh mới là điều được quan tâm nhiều hơn.

Nên giới hạn số lượng ảnh được đăng. Nếu bạn "khủng bố" bản tin Facebook của người khác bằng hàng loạt hình ảnh và dòng trạng thái về mình trong vài ngày liên tiếp, họ sẽ không muốn cập nhật thêm gì về bạn ít nhất trong khoảng một tuần tiếp theo.

Không nên chụp ảnh rập khuôn. Bởi không ai muốn nhìn thấy những bức ảnh chụp theo phong cách "Nắm tay em đi khắp thế gian" quanh năm.

Nên đăng một tấm ảnh về một bữa ăn. Bạn có thể đăng nhiều hơn, nếu bàn ăn có gì đó thực sự đặc biệt.

Không nên check-in mọi nơi bạn đến. Nhiều người có xu hướng cập nhật liên tục về chuyến đi của mình, nhưng không phải ai cũng muốn biết bạn đi đâu 24/24

Nên cất điện thoại trong vài giờ và tận hưởng kỳ nghỉ của mình. Bạn hãy tạm rời xa mạng xã hội, quên đi những quy tắc về điều nên và không nên làm khi đăng ảnh "sống ảo" trong kỳ nghỉ. Thay vào đó, hãy nhâm nhi một ly nước trái cây mát lạnh, vùi chân trong cát (đừng chụp bất cứ tấm ảnh nào), ngẩng mặt lên và nhìn ngắm cuộc sống thực đang diễn ra quanh mình.

 

Viết bình luận

Bạn đã gửi bình luận thành công. Chúng tôi sẽ đăng bình luận của bạn sau khi kiểm duyệt.