Lăng Nguyễn Hữu Hào Đà Lạt: Từ lăng mộ bỏ hoang đến điểm check in mới toanh 'vạn người mê'

Những ngày gần đây, giới trẻ xôn xao mách nhau ở Đà Lạt có một điểm check-in đồi thông tuyệt đẹp, nơi tọa lạc của lăng Nguyễn Hữu Hào – một di tích cổ xưa bị lãng quên trong rừng cây sâm nghiêm. 

Địa chỉ lăng Nguyễn Hữu Hào

Lăng Nguyễn Hữu Hào, nay thường được giới trẻ gọi là điểm check-in "Đồi thông đom đóm", tọa lạc tại một ngọn đồi hẻo lánh ở ngã ba đường Hoàng Văn Thụ, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, gần thác Cam Ly. 

Đây là một di tích lịch sử chưa được khai thác du lịch, là một điểm đến hoàn toàn mới mẻ chưa hề thương mại hóa. Cũng chính vẻ đẹp cổ kính, trầm mặc, bí ẩn giữa đồi thông nguyên sơ của khu lăng mộ này đã hấp dẫn nhiều bạn trẻ ưa thích khám phá.

Lăng Nguyễn Hữu Hào có vẻ đẹp vẻ đẹp cổ kính, trầm mặc, bí ẩn giữa đồi thông nguyên sơ

Lăng Nguyễn Hữu Hào có vẻ đẹp vẻ đẹp cổ kính, trầm mặc, bí ẩn giữa đồi thông nguyên sơ. Ảnh: nim.1405

Nguyễn Hữu Hào là ai?

Ông Nguyễn Hữu Hào là thân phụ của Nam Phương Hoàng hậu - Hoàng hậu cuối cùng trong lịch sử Việt Nam, vợ của vua Bảo Đại triều Nguyễn. 

Ông Nguyễn Hữu Hào là một đại điền chủ giàu có, quê gốc ở Gò Công (Tiền Giang). Ông kết hôn với bà Lê Thị Bình, ái nữ của ông Huyện Sỹ giàu nhứt xứ Nam kỳ thời bấy giờ. Hai vợ chồng ông hạ sinh hai con gái, một người sau này kết hôn với Nam tước người Pháp, người còn lại chính là Nam Phương Hoàng hậu Nguyễn Hữu Thị Lan. 

Ông Nguyễn Hữu Hào là cha ruột Nam Phương Hoàng hậu

Ông Nguyễn Hữu Hào là cha ruột Nam Phương Hoàng hậu. Ảnh: triphunter

Sinh thời, ông Nguyễn Hữu Hào rất yêu mảnh đất Đà Lạt. Gia đình ông cũng sở hữu hàng loạt dinh thự có vị trí đẹp.

Tiêu biểu nhất phải kể đến Cung Nam Phương Hoàng hậu ông tặng cho con gái làm của hồi môn. Đến nay ngôi biệt thự là một điểm đến ở Đà Lạt hấp dẫn du khách với nhiều lời đồn đại về đường hầm thoát hiểm bí mật ẩn giấu trong lòng kiến trúc tráng lệ. 

Lối lên lăng chỉ có độc một con đường gọi là Nhất chính đạo

Lối lên lăng chỉ có độc một con đường, gọi là Nhất chính đạo. Ảnh: triphunter

Năm 1937, ông Nguyễn Hữu Hào lâm bệnh qua đời. Ông được phong tước Long Mỹ Quận công và an táng ở Đà Lạt đúng như di nguyện. 

Khám phá Lăng Nguyễn Hữu Hào

Long mạch phong thủy

Quốc trượng lâm bệnh khó qua khỏi, Hoàng đế Bảo Đại và Nam Phương Hoàng hậu đã mời nhiều cao nhân phong thủy tìm vị trí đặt lăng. Nơi được lựa chọn là đỉnh một quả đồi cao phía Tây Nam, đối diện với thác Cam Ly, nay thuộc phường 5, TP Đà Lạt. Cổng trước lăng mộ hướng về trung tâm TP. Đà Lạt. 

Kiến trúc lăng Nguyễn Hữu Hào

Quần thể lăng hoàn thành sau 4 năm xây dựng liên tục, là một công trình uy nghi, bề thế trên ngọn đồi rộng 4 ha bao phủ bởi rừng thông nguyên sinh thâm nghiêm. Lăng xây trên đồi cao, dáng tựa đóa sen đang nở. Cổng lăng là trụ biểu gồm 4 trụ thẳng đứng trang trí hoa sen và 2 cặp câu đối do chính Nam Phương Hoàng hậu đề tự.

  Cổng lăng là trụ biểu gồm 4 trụ thẳng đứng trang trí hoa sen

  Cổng lăng là trụ biểu gồm 4 trụ thẳng đứng trang trí hoa sen. Ảnh: triphunter

Lối lên lăng chỉ có độc một con đường, gọi là Nhất chính đạo gồm 158 bậc, cứ cách 9 -13 bậc sẽ có một chiếu nghỉ. Muốn tới nơi đặt mộ Quận công và Nhị phẩm phu nhân phải qua một sân tế, leo 13 bậc thang dẫn lên sân chầu, rồi lên tiếp 20 bậc nữa. 

Mái lợp ngói lưu ly

Mái lợp ngói lưu ly. Ảnh: agotourist

Công trình hoàn toàn được xây bằng gạch tô đá rửa, không sử dụng gỗ. Mái đúc bằng bê-tông cốt thép, vát cong với tán xoè rộng và lợp ngói lưu ly. Giữa đỉnh mái đặt cây thánh giá vì ông Nguyễn Hữu Hào là tín đồ đạo Công giáo.
 

Hai ngôi mộ của Quận công và Nhị phẩm phu nhân đặt song song tạc bằng đá xanh nguyên khối

Hai ngôi mộ của Quận công và Nhị phẩm phu nhân đặt song song tạc bằng đá xanh nguyên khối, chạm khắc hoa văn tinh xảo. Ảnh: vnexpress

Vào chính lăng, du khách sẽ nhìn thấy hai ngôi mộ của Quận công và Nhị phẩm phu nhân đặt song song tạc bằng đá xanh nguyên khối, chạm khắc hoa văn tinh xảo thể hiện sự quyền uy, giàu có lúc sinh thời của chủ lăng.

Chính giữa hai ngôi mộ là một bàn cúng cũng tạc bằng đá xanh. Đáng tiếc, bàn đá này đã bị những kẻ trộm mộ cạy mất, khi trùng tu phải thay thế bằng mặt xi măng. Trong lăng, hai con gái ông còn dựng hai văn bia tạc trên đá tưởng nhớ công ơn dưỡng dục của đấng thân sinh.
 

Hai con gái ông còn dựng hai văn bia tạc trên đá tưởng nhớ công ơn dưỡng dục của đấng thân sinh

Hai con gái ông còn dựng hai văn bia tạc trên đá tưởng nhớ công ơn dưỡng dục của đấng thân sinh. Ảnh: triphunter

>> Xem thêm: Tháng 11 mặc gì đi Đà Lạt? Công thức mix đồ ‘gây thương nhớ’ cho các tín đồ mê du lịch


Vẻ đẹp di tích ngủ quên trong rừng thông

Giữa thủ phủ của du lịch Lâm Đồng - thành phố Đà Lạt đông đúc, rẽ hướng Tây Nam ít người đi, qua một bãi công trình thi công ngổn ngang, lọt vào tầm mắt người mê cảnh lạ là một ngon đồi hẻo lánh. Nơi đó sừng sững biểu trụ đánh dấu đâu đó trong rừng thông này tọa lạc một kiến trúc bề thế của quý tộc xưa bị lãng quên.
 

Con đường Nhất chính đạo 158 bậc đá thẳng tắp cỏ gai rợp mắt

Con đường Nhất chính đạo 158 bậc đá thẳng tắp cỏ gai rợp mắt. Ảnh: traveloka

Con đường Nhất chính đạo 158 bậc đá thẳng tắp cỏ gai rợp mắt, rừng thông trầm mặc chạy dài, xa xa thấp thoáng kiến trúc lăng mộ uy nghi.

Lăng Nguyễn Hữu Hào yên tĩnh, du khách thong thả dạo bước trong tiết trời se se của Đà Lạt những tháng cuối năm này, ngắm từng vạt dã quỳ lấp ló, nghe rừng thông rì rầm. Sân tế, sân chầu vắng vẻ, các mảng tường, các bệ, tượng đá phủ rêu xanh. Tất cả tạo nên vẻ đẹp bí ẩn lạ lùng.
 

Góc độ đặc biệt được yêu thích là điểm bắt đầu con đường Nhất chính đạo

Góc độ đặc biệt được yêu thích là điểm bắt đầu con đường Nhất chính đạo. Ảnh: traveloka

Khi du khách tới đây chụp ảnh, góc độ đặc biệt được yêu thích là điểm bắt đầu con đường Nhất chính đạo. Chỉ một số ít bạn trẻ đã kịp ghi lại những shoot hình mộng mơ như lạc vào khu rừng diệu kì trong phim hoạt hình của Ghibli. 
 

 Shoot hình mộng mơ như lạc vào khu rừng diệu kì trong phim hoạt hình của Ghibli

Shoot hình mộng mơ như lạc vào khu rừng diệu kì trong phim hoạt hình của Ghibli. Ảnh: dalavita

Một điều tuyệt vời hơn nữa là bạn không cần phải xếp hàng dài hay vội vội nhanh nhanh bắt được góc chụp đẹp, vì nơi này hiện chưa nhiều người “khai quật” ra đâu. 
 

Bạn không cần phải xếp hàng dài hay vội vội nhanh nhanh bắt được góc chụp đẹp

Bạn không cần phải xếp hàng dài hay vội vội nhanh nhanh bắt được góc chụp đẹp. Ảnh: tran______

 

Cách đi tới lăng Nguyễn Hữu Hào

Theo kinh nghiệm du lịch Đà Lạt, từ chợ Đà Lạt bạn chạy xe theo hướng đường Nguyễn Văn Cừ. Khi qua đường 3 tháng 2, đến vòng xoay ngay khách sạn Sài Gòn - Đà Lạt, bạn rẽ sang đường Hoàng Văn Thụ. Ngã ba phía bên phải là đường đi Làng hoa Vạn Thành, bạn bỏ qua đường này, chạy thẳng lên một chút sẽ thấy cổng lăng. 
 

Chưa nhiều người khai quật ra địa điểm check in Đà Lạt cực độc này

Chưa nhiều người khai quật ra địa điểm check in Đà Lạt cực độc này. Ảnh: tran______

Đường đi lên lăng là đường đá chỉ dành cho xe máy. Nếu đi ô tô thì bạn đậu xe ở cổng, đi bộ lên cũng không xa lắm đâu.

Lăng Nguyễn Hữu Hào mở cửa tự do không mất vé vào và không giới hạn thời gian.  
 

Lăng Nguyễn Hữu Hào là một điểm check in rừng thông rất đẹp

Lăng Nguyễn Hữu Hào là một điểm check in rừng thông rất đẹp. Ảnh: Đồng Ngô

 

Điểm đến gần lăng Nguyễn Hữu Hào


Khu du lịch thác Cam Ly

Thác Cam Ly nằm ngay bên bờ suối Cẩm Lệ thuộc phường 5, TP. Đà Lạt. Nó là một trong hai ngọn thác nổi tiếng nhất thành phố ngàn hoa. Tại đây, du khách sẽ có nhiều thước ảnh đẹp nơi thác nước, cỏ cây, mây trời hòa hợp và được trải nghiệm cưỡi ngựa thú vị.

  • Người lớn: 20.000đ/ vé
  • Trẻ em: 10.000đ/ vé
  • Giá vé gửi xe: 5.000đ – 10.000đ tùy ngày thường hay lễ tết
  • Giờ mở cửa 7 h - 19 h
     

Thác Cam Ly được ví như vẻ đẹp của người sơn nữ du ca giữa núi rừng

Thác Cam Ly được ví như vẻ đẹp của người sơn nữ du ca giữa núi rừng. Ảnh: dalattrongtoi


Nhà thờ Con Gà

Nhà thờ con gà hay còn gọi là Nhà thờ Chánh Tòa, nằm ở số 15, đường Trần Phú. Nó có tên gọi như vậy do trên đỉnh tháp chuông có tượng một con gà lớn. Nhà thờ này là một trong những kiến trúc Pháp tiêu biểu còn sót lại của thành phố Đà Lạt. Đây là một điểm đến được người có kinh nghiệm du lịch Đà Lạt tự túc yêu thích. 

Giờ lễ hàng ngày của nhà thờ:

  • Ngày thường: Sáng 5h15 , Chiều 17h15
  • Chủ nhật: 5h15, 7h, 8h30, 16h, 18h

 

Toàn cảnh Nhà thờ Chánh tòa Đà Lạt

Toàn cảnh Nhà thờ Chánh tòa Đà Lạt. Ảnh: qiv


Làng hoa Vạn Thành

Làng hoa nằm ở phường 5, phía Tây thành phố Đà Lạt. Làng hoa rộng hơn 200 ha quanh năm ngập tràn hương sắc hoa hồng nhung, hoa ly, hoa hồng cánh sen, hoa cúc trắng, hoa cẩm chướng, hoa đồng tiền… Không chỉ hoa, ở đây còn có vườn rau trái khổng lồ cực độc đáo. 

  • Giá vé: 40.000 VNĐ/khách
     

 Làng hoa rộng hơn 200 ha quanh năm ngập tràn hương sắc

Làng hoa rộng hơn 200 ha quanh năm ngập tràn hương sắc. Ảnh: bloganchoi 

Lăng Nguyễn Hữu Hào là một điểm đến mới mẻ đang chờ đợi được khám phá. Thêm điểm check-in này vào dọc cung đường du lịch Tà Nung - Vạn Thành, chắc hẳn bạn sẽ mang về được bộ ảnh đẹp-độc-lạ chẳng kém gì cảnh phim đâu nhé! 

Rơm

Theo Báo Thể Thao Việt Nam

Viết bình luận

Bạn đã gửi bình luận thành công. Chúng tôi sẽ đăng bình luận của bạn sau khi kiểm duyệt.