Khám phá cực Đông Bắc Tổ quốc và những cung bậc cảm xúc khó quên

Tháng 6, nhóm phóng viên Gia Đình Mới đã có chuyến đến thăm cực Đông Bắc Tổ quốc và những trải nghiệm mang nhiều cung bậc cảm xúc.

Tự hào ngắm địa đầu Tổ quốc

Xuất phát từ Hà Nội, theo quốc lộ 5B mới, chúng tôi lái xe tiến về thành phố Móng Cái, thăm mũi Sa Vĩ - cực Đông Bắc Tổ quốc.

Thời gian di chuyển khá dài, khoảng hơn 6 tiếng đồng hồ chúng tôi mới chính thức được đặt chân đến Móng Cái và thêm 30 phút di chuyển từ trung tâm thành phố Móng Cái đến mũi Sa Vĩ.

Điểm nhấn ở mũi Sa Vĩ là công trình cụm thông tin cổ động biên giới Sa Vĩ với hình ảnh 8 lá dương thẳng đứng vươn lên trời, bao quanh là vành đai được thể hiện như vành trống đồng Ngọc Lũ được ghép bằng tranh gốm với những hình ảnh, hoạ tiết thể hiện đậm nét văn hoá truyền thống Việt Nam.

Giá vé vào tham quan công trình này là 20.000 đồng/vé người lớn và 10.000 đồng/vé trẻ em.

Cụm Thông tin cổ động biên giới Sa Vĩ

Cụm Thông tin cổ động biên giới Sa Vĩ

Khách du lịch có thể leo lên tầng lá này để ngắm cảnh 360 độ khu vực biên giới trọng yếu này, bao quanh là biển, những khoảnh rừng dương, doanh trại quan đội...

Cây dương cũng là biểu tượng của địa danh này nên chỉ cần đi quá cổng vào công trình Sa Vĩ là sẽ thấy bức phù điêu màu xanh hình chiếc lá có ghi dòng chữ:

“... Từ Trà Cổ rừng dương
Đến Cà Mau rừng đước...”

Tản bộ thêm vài bước chân, chúng tôi đã đến đường bao biên giới, phía dưới là bãi biển, từ đây phóng tầm mắt chỉ thấy những mênh mông, vậy đây mới chính là điểm địa đầu Đông Bắc của Tổ quốc, nơi kết thúc phần biên giới đất liền, vươn ra biển.

Thanh bình lắm Trà Cổ ơi

Kéo dài từ mũi Sa Vĩ đến tận Núi Ngọc là một trong những bãi biển dài nhất Việt Nam, đó chính là Trà Cổ. Trà Cổ yên bình và đẹp dù không sở hữu cát trắng hay nước xanh nhưng sạch sẽ và trong trẻo.

Những chiếc thuyền gỗ lác đác neo trên bãi là những điểm sống ảo đầy thích thú của các bạn trẻ.

Dọc Trà Cổ còn có những bãi đá màu đen tuyền, trồi lên những bãi cát, bám đầy những hà là hà. Đá cũng có quy luật xuất hiện của nó, theo dãy vuông góc với những con sóng và vươn ra biển.

Trà Cổ về đêm không sôi động như những vùng biển khác, trầm mặc và yên ắng, chỉ ồn ào vào chiều tối khi các nhà hàng hải sản ven biển đang cao điểm khách.

Bãi biển Trà Cổ vào một buổi chiều

Bãi biển Trà Cổ vào một buổi chiều

Tháng 5 - tháng 6 biển Trà Cổ vừa hết mùa sứa. Chỉ đi dạo trên bờ thôi, chúng tôi cũng tìm thấy nhiều xác sứa tròn, trong suốt, khi tắm biển cũng thấy những con sứa lớn.

Những người da nhạy cảm sẽ dễ bị ngứa bởi dính vào chân sứa nên hết sức chú ý để tránh điều này.

Giá hải sản ở Trà Cổ khá cao so với những bãi biển những miền dưới bởi đây là nguồn cung hải sản cho cả miền bắc và nước bạn Trung Quốc, chưa kể vào mùa du lịch như tháng này, nhu cầu phục vụ khách cũng cao hơn.

Tại nhà hàng, giá ghẹ khoảng 750.000 đồng/kg, bề bề từ 450.000 - 550.000 đồng/kg, mực 400.000 - 500.000 đồng/kg…

Đảo Vĩnh Thực: Những hoang sơ và chân thật

Ngược mũi Sa Vĩ, chúng tôi đến với mũi Ngọc, từ đây, chúng tôi mua dịch vụ ra thăm đảo Vĩnh Thực.

Tại bến mũi Ngọc, du khách có thể lựa chọn ghép ca nô với các đoàn, cá nhân khác để ra thăm đảo. Chúng tôi chọn mua dịch vụ trọn gói của Ka Long, bao gồm khứ hồi ca nô, xe đưa đón tham quan tại đảo với giá 250.000 đồng/người.

Lên đến nơi, cả đoàn được một bác tài lái xe ô tô đưa đi trên con được bê tông chính, dọc đảo, vẫn còn đang thi công, để đến với ngọn hải đăng Vĩnh Thực.

Đây là ngọn hải đăng nằm ở vị trí đầu tiên trong tổng số 92 ngọn hải đăng trải dài ven biển, trên các đảo và quần đảo của Tổ Quốc. Để lên đỉnh ngọn hải đăng ngắm toàn cảnh, chúng tôi phải trả thêm 10.000 đồng/người.

Phóng tầm mắt từ đây, chúng tôi thậm chí nhìn thấy được cả những con sứa đang phập phồng bơi gần những bãi đá trong vắt và xanh ngắt phía dưới.

Hải đăng Vĩnh Thực

Hải đăng Vĩnh Thực

Từ hải đăng quay ngược lại, chúng tôi được dịch vụ xe điện đón đi thăm bãi biển Đầu Đông và bãi Bến Hèn. Mỗi nơi một vẻ, Đầu Đông không chỉ có bãi biển thoải rộng mà còn có cả những bãi đá trữ tình.

Bến Hèn cát trắng biển xanh, có dịch vụ ăn uống trên bờ và những ngôi nhà được vẽ rất đẹp.

Bãi đá ở bến Đầu Đông thuộc đảo Vĩnh Thực

Bãi đá ở bến Đầu Đông thuộc đảo Vĩnh Thực

Bãi biển Bến Hèn thuộc đảo Vĩnh Thực

Bãi biển Bến Hèn thuộc đảo Vĩnh Thực

Những ngôi nhà dọc đường đảo Vĩnh Thực

Những ngôi nhà dọc đường đảo Vĩnh Thực

Vĩnh Thực vẫn giữ nguyên được nét hoang sơ vốn có, dân cư cũng thưa thớt, những đồng cỏ và những đồng lúa trải dài hai bên đường chúng tôi đi, bao quanh bởi núi.

Cứ như thế, những đàn trâu, đàn bò bụng tròn lẳn, nhởn nhơ không người trông. Bác tài, cũng là người con của đảo, bảo với chúng tôi rằng: “Dân đảo nghèo lắm, ngoài đánh bắt hải sản ra, trên đảo chưa làm thêm được gì cả, được cái, dân nghèo nhưng mà thật, đi ngủ có bao giờ phải khóa cửa đâu".

San San/GIADINHMOI.VN

 
 
 

Viết bình luận

Bạn đã gửi bình luận thành công. Chúng tôi sẽ đăng bình luận của bạn sau khi kiểm duyệt.