Huyền thoại về con đường “Hạnh phúc” ở Hà Giang

Với chiều dài 185 km, con đường mang tên Hạnh Phúc được nối từ thành phố Hà Giang xuyên cao nguyên đá Đồng Văn là con đường được khởi đầu và thành hình từ công sức và cả máu xương của hàng vạn thanh niên xung phong từ những năm 50- 60 thế kỷ trước. Con đường đã đem lại cuộc sống no ấm cho đồng bào các dân tộc trên cao nguyên đá Hà Giang, thể hiện sức mạnh của con người trước những khắc nghiệt của thiên nhiên.

Huyền thoại về con đường “Hạnh phúc” ở Hà Giang - Ảnh 1

Con đường Hạnh phúc chạy quanh các sườn núi đá.

Đường Hạnh Phúc- con đường huyền thoại nối liền thành phố Hà Giang với 4 huyện vùng cao núi đá phía Bắc của Hà Giang- bắt đầu khởi công từ ngày 10/9/1959. Theo tài liệu ghi lại, sau khi Cách mạng thành Tám thành công, chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi; người miền núi và người miền xuôi đã đuổi được thằng giặc Pháp về nước, bọn tay sai phải đầu hàng. Bà con các dân tộc được vui vẻ làm ăn sinh sống. Để miền núi bằng với miền xuôi, Trung ương khi về Việt Bắc đã quyết định làm con đường Hạnh phúc và thu nạp hàng trăm thanh niên của dân tộc các tỉnh miền núi phía Bắc như Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn… để mang sức trẻ góp phần xây dựng quê hương, giúp người dân có đường đi thuận lợi.

Để mở đường, lúc bấy giờ,  hơn 1300 thanh niên xung phong cùng hơn 1.000 dân công thuộc 16 dân tộc Mèo, Tày, Dao, Pu Péo, Lô Lô... của 8 tỉnh Cao Bắc Lạng (Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn), Hà Tuyên Thái (Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên), Hải Hưng, Nam Định đã phải đục khoét gần 3 triệu mét khối đá bằng những dụng cụ làm việc còn rất thô sơ, chỉ có búa, xà beng. Vì thế, người cậy đá, người đục, người khuân vác rất vất vả. Một ngày công của họ chỉ tương đương khoảng 1kg gạo. Ăn ở thiếu thốn nhưng hàng ngày, đoàn thanh niên vẫn làm việc hăng say.

Đoạn khó khăn nhất của tuyến đường chỉ có 21 km từ Đồng Văn sang Mèo Vạc mà phải mất gần 2 năm mới hoàn thành. Đoạn đường này chính là con đèo hiểm trở Mã Pí Lèng. Chuyện kể rằng, con đèo nổi tiếng với dốc cao dựng đứng này đã khiến những con ngựa cái leo chưa đến đỉnh đã trụy thai mà chết, những con ngựa đực chưa vượt qua đèo đã phải tắt thở. Vì vậy dân địa phương đã dùng cụm từ “Mã Pí Lèng” trong tiếng Quan Hỏa, nghĩa đen là “sống mũi con ngựa”, đặt tên cho con đèo. Cái tên “Mã Pí Lèng” của con đèo đã nói lên sự hiểm trở của ngọn núi, của con đèo, với những dốc cao dựng đứng như sống mũi con ngựa. Để hoàn thành con đường qua đèo, trong 11 tháng trời hàng trăm TNXP đã thay nhau treo mình trên vách đá để đục từng thớ đá, đục từng lỗ mìn, để kéo dài con đường thêm từng xăng - ti - mét. Cũng như ở chiến trường, nhiều người đã được truy điệu sống trước khi cầm choòng, cầm búa leo lên vách đá. 17 người khỏe mạnh, gan dạ nhất đã ra nhập đội cảm tử, Ban chỉ huy công trường gọi là “Đội Cơ dũng”, đem sức người nhỏ bé chọi lại sức mạnh của biển đá nghìn năm. Trên đỉnh núi đặt sẵn 10 cỗ quan tài thể hiện ý chí “quyết tử”.  Mỗi sáng, các thành viên “Đội Cơ dũng” hô to “quyết thắng” rồi vác choòng (xà beng 8 cạnh), búa, ít thuốc nổ, trèo lên vách núi. Treo mình giữa lưng chừng trời, họ đục khoét đá, khoan phá đá để mở từng centimet đường, hoàn thành đoạn đường qua dốc cao hiểm trở.

Huyền thoại về con đường “Hạnh phúc” ở Hà Giang - Ảnh 2

Đoàn công tác của Bộ LĐ-TB&XH dừng chân tại đỉnh Mã Pí Lèng.

Qua hơn 6 năm xây dựng với 2. 946. 321 lượt ngày công toàn bộ con đường Hạnh Phúc được hoàn thành vào 15 tháng 6 năm 1965 và được Bác Hồ đặt tên là con đường Hạnh Phúc. Để có được con đường Hạnh phúc, rất nhiều mồ hôi, xương máu của thanh niên xung phong đã đổ xuống và 14 TNXP đã nằm lại nơi này.

Trải nghiệm trên con đường Hạnh Phúc

Những ai yêu mến Hà Giang thì con đường Hạnh Phúc là một hành trình rất đặc biệt, bởi để đi hết đường Hạnh Phúc phải vượt qua những con đèo cao vút như Bắc Sum, Cổng Trời, Cán Tỷ, Mậu Duệ, ngược lên Lũng Cú vời vợi mây trời. Và đặc biệt là phải vượt qua bức tường thành Mã Pí Lèng danh tiếng.

Bỏ lại thành phố Hà Giang bình yên với cột mốc Km 0 của quốc lộ 2 để chinh phục đường Hạnh Phúc xuyên cao nguyên đá. Sau 20 km tương đối bằng phẳng là đèo Cổng Trời Quản Bạ sừng sững chào mời với độ dốc lớn khiến xe phải bò số 1, số 2. Đứng trên Cổng Trời Quản Bạ, thị trấn Tam Sơn hiện ra trải rộng giữa lòng thung lũng. Những mái nhà tầng, biệt thự mọc lên san sát nhau kéo dài đến tận chân núi. Một thị trấn miền núi mà giàu đẹp không kém dưới xuôi.

Giữa những quả núi trùng trùng điệp điệp là núi đôi Quản Bạ, một vẻ đẹp tuyệt vời mà thiên nhiên đã ban tặng cho Tam Sơn, cho cao nguyên đá. Quản Bạ thực ra xa xưa là núi đôi Cô Tiên, có hai chóp giống hệt đôi gò bồng đảo của thiếu nữ nằm nổi bật giữa cánh đồng Tam Sơn rộng lớn, bằng phẳng và màu mỡ.

Đi trên những đoạn đèo dốc, những khúc cua tay áo hiểm trở, nhưng trước mắt luôn là khung cảnh bình yên, đẹp đến nao lòng của vùng núi đá khiến ai cũng xuýt xoa. Nằm sát quốc lộ 4C, Phố Cáo với vẻ đẹp đặc trưng của những ngôi nhà tường trình ánh vàng trong nắng. Và cách đó không xa là thung lũng Sả Phìn nổi tiếng với dinh thự vua Mèo quyền quý.

Huyền thoại về con đường “Hạnh phúc” ở Hà Giang - Ảnh 3​​​​​

Đỉnh Mã Pí Lẽng.

Ông Vua Mèo Vương Chính Đức là người đầu tiên đặt nền móng cai trị các đồng bào dân tộc thiểu số ở đây. Sự giao thương giữa Vua Mèo với phương Bắc thể hiện rõ nét trong kiến trúc của khu dinh thự họ Vương.  Toàn bộ khu dinh thự rộng lớn được bao bọc bởi vòng tường đá dày 1 m, cao từ 2,5 – 3 m. Một khối lượng rất lớn gỗ lim, pơmu, sến… cùng với đá xanh khổng lồ đã dùng để xây lên khu vương phủ đồ sộ với kiến trúc độc đáo.

Trên những cung đường đèo dốc chốc chốc lại bắt gặp cảnh bình yên dưới lòng thung lũng. Những bản làng của các dân tộc những huyện vùng cao Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc giờ đây đã đổi thay. Người dân không còn trồng hoa anh túc như xưa nữa, giờ họ biết trồng ngô trên những núi đá khô cằn.

Huyền thoại về con đường “Hạnh phúc” ở Hà Giang - Ảnh 4

Dinh thự của Vua Mèo - Vương Chính Đức.

Còn Mã Pí Lèng nơi được coi là một trong “tứ đại đỉnh đèo” của Việt Nam. Mã Pí Lèng nối liền Đồng Văn và Mèo Vạc dài khoảng 20 km với nhiều đoạn cua tay áo, một bên là vách núi dựng đứng, một bên là thăm thẳm vực sâu. Trên đỉnh Mã Pí Lèng là như một bức tranh thiên nhiên tuyệt tác, từng dãy núi trùng trùng điệp điệp, vô cùng kỳ vĩ, thăm thẳm dưới chân đèo là dòng Nho Quế như sợi chỉ uốn quanh chân núi. Khi màu xanh của dòng Nho Quế khuất hẳn dưới khe núi, thì  du khánh đến được Mèo Vạc. Đến nơi đây du khách không chỉ được đám mình trong khung cảnh không gian hữu tình, mà còn được hòa mình vào những sắc màu văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc nơi đây như hội Vũ Mông, chợ tình Khâu Vai, chợ tình Phong Lưu. Còn những ai yêu thích du lịch trải nghiệm sẽ đến các bản làng xa xôi để khám phá cuộc sống đời thường của người dân bản địa. Du khách sẽ được cùng đồng bào lên rẫy, cùng đan quẩy tấu, uống rượu ngô, và cùng cất lời ca tiếng hát, giao lưu gặp gỡ ở nhà văn hóa cộng đồng.

Cao nguyên đá Đồng Văn không chỉ là một công viên địa chất của thế giới, mà còn là một vùng đất chứa những chứng tích lịch sử rất tiêu biểu của đồng bào vùng cao tỉnh Hà Giang. Ngày nay, con đường này không chỉ làm thay đổi bộ mặt cuộc sống cho đồng bào Đông Bắc mà còn là con đường nối dài những ước mơ tuổi trẻ được khám phá và chinh phục vùng đất thiêng liêng nơi địa đầu Tổ Quốc.

CHÂU ANH

http://baodansinh.vn

Viết bình luận

Bạn đã gửi bình luận thành công. Chúng tôi sẽ đăng bình luận của bạn sau khi kiểm duyệt.