Huyền thoại giếng Vua ở Lý Sơn
Ở huyện đảo Lý Sơn, vào những ngày hè nắng nóng, khi các giếng nước sinh hoạt đều khô hoặc nhiễm mặn, người dân nơi đây vẫn yên tâm vì có nước ngọt để dùng từ một giếng nước đặc biệt-Giếng Vua (còn gọi là giếng cổ Xó La). Giếng cách mép biển chừng 5m nhưng lúc nào cũng đầy ắp nước ngọt và trong vắt. Nền giếng hình chữ nhật, diện tích 46m2. Giếng sâu khoảng 6,7m, thành giếng dày 20cm, cao 0,65m, được xây bằng đá ong, trát vữa xi-măng. Lòng giếng hình tròn, đường kính 1,9m, được kè bằng đá cuội, đá phún xuất thạch, xen lẫn đá vôi. Theo các bậc cao niên ở Lý Sơn, giếng Vua gắn liền với nhiều huyền thoại.
Hàng trăm năm qua, giếng Vua đã giúp hàng ngàn hộ dân vượt qua cơn khát, ngay cả đỉnh điểm của mùa khô. |
Theo sử sách ghi lại, hàng trăm năm trước, khi Nguyễn Ánh (Vua Gia Long) và một số tướng sỹ bị quân Tây Sơn truy đuổi đã giong thuyền ra đảo Lý Sơn lánh nạn. Vào mùa nắng hạn, trên đảo cây cối đều héo rũ vì thiếu nước. Nước sinh hoạt mang theo trên các chiến thuyền đều cạn kiệt. Vì phải nhường những giọt nước quý giá cho Vua nên một số tướng sĩ lả đi vì khát. Trước tình cảnh đó, Vua Gia Long đã lệnh cho quân sĩ đào giếng tìm kiếm nguồn nước ngọt. Hàng trăm giếng nước được đào khắp đảo nhưng không phát hiện có mạch nước ngầm. Bất lực nhìn tướng sĩ lả dần vì thiếu nước uống, Vua Gia Long khấn cầu thần linh phù hộ mau tìm được nguồn nước ngọt để cứu mọi người. Một đêm, Vua Gia Long được Tiên Ông báo mộng và giếng Xó La được đào đắp theo chỉ dẫn. Điều kỳ lạ là ngay khi vừa đặt nhát cuốc đầu tiên, nguồn nước trong vắt từ lòng đất đã tuôn trào. Cho rằng đây là “Giếng Thần” nên trước khi rời khỏi đảo, Vua Gia Long đã ra lệnh cho người dân trên đảo phải giữ gìn giếng này. Từ đó giếng có tên gọi là giếng Vua.
Cũng có giả thuyết cho rằng, giếng nước này xuất hiện thời vương quốc Chăm (khoảng thế kỷ XV). Người Chăm sống tập trung ở khu vực ven biển, hải đảo, giỏi nghề biển, có biệt tài chọn những nơi có mạch nước ngầm tốt để đào giếng, lấy nước ngọt dùng và bán cho các thương thuyền đi lại dọc theo ven biển. Khi người Việt đến, các giếng này vẫn được tiếp tục sử dụng và duy trì cho đến ngày nay… Nghiên cứu về hệ thống nước ngầm trên đảo Lý Sơn, các nhà khoa học cho biết hầu hết các giếng trên đảo đều có hai dòng nước ngầm. Một dòng thấm ra từ lòng đảo và một dòng thấm từ biển vào nên các giếng đều bị nhiễm mặn, nhưng ở giếng Xó La chỉ có một mạch nước ngầm thấm từ trong lòng đảo nên giếng được cung cấp nguồn nước ngọt quanh năm và không bị nhiễm mặn. Hơn nữa, giếng Xó La nằm ở dải đất thấp trải dài dưới chân núi Hòn Vung nên rất có thể mạch nước giếng này có nguồn gốc từ nước mưa thẩm thấu trên núi xuống chân núi.
Giếng Vua hay còn gọi là giếng Xó La. |
Về nguồn gốc giếng nước thì hư hư thực thực với nhiều truyền thuyết nhưng có một sự thật không thể phủ nhận là hàng trăm năm qua, sự có mặt của giếng Vua đã giúp hàng ngàn hộ dân vượt qua cơn khát, bởi có thời điểm, huyện đảo ba tháng ròng rã không có một hạt mưa. Ông Phạm Thoại Tuyền, ở thôn Đông, xã An Vĩnh-là hậu duệ đời thứ 5 của Chánh cai đội Phạm Hữu Nhật-Chánh cai đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải, là người chuyên sưu tầm, nghiên cứu về văn hóa, lịch sử ở huyện Lý Sơn, từng gắn bó với đảo gần 70 năm nay cho biết: Trên toàn đảo Lớn của huyện đảo Lý Sơn hiện có chừng trên 1.000 giếng nước, trong đó có khoảng một nửa giếng nước ăn; số còn lại chỉ dùng để tắm giặt, tưới hoa màu. Cũng có chừng mươi giếng có nước ngon trên đảo, nhưng vào thời kỳ đỉnh điểm mùa khô, chỉ duy nhất giếng Vua là còn nước ngọt. Tuy nhiên, thời gian gần đây khi tuyến kè chắn sóng Đông Nam trên đảo triển khai thi công thì cả khu vực này đã bị đào bới tan hoang, phá vỡ cảnh quan môi trường tự nhiên trong khu vực giếng Vua, đồng thời, tác động xấu đến mạch nước ngầm, ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước. Không chỉ là nơi cung cấp nước sinh hoạt, giếng Vua còn là nguồn sống của nhiều người dân nghèo ở đảo Lý Sơn. Vào mùa nắng hạn, khi nước ngọt trên đảo bắt đầu khô cạn, xâm mặn là lúc người nghèo đổ về giếng Vua gánh nước đi bán. Hơn 7 năm làm phu nước, anh Mai Thu (45 tuổi, ở thôn Đông, xã An Vĩnh), cho biết, vào thời điểm nắng dữ dội, nhu cầu sử dụng nước tăng thì phải đi gánh từ lúc 1 - 2 giờ sáng. Vào những ngày hè, anh kiếm được trung bình từ 80-100 ngàn đồng/ngày. “Nước ở đây vừa ngọt, vừa sạch, pha trà rất ngon nên nhiều nhà hàng thuê gánh quanh năm. Vào mùa hè thì chủ yếu phục vụ cho người dân trong vùng. Công việc tuy nặng nhọc nhưng không gò bó, lại có thu nhập khá nên lượng người gánh nước thuê ngày càng tăng”- anh Thu chia sẻ.
Đối với người dân huyện đảo Lý Sơn, giếng Vua giống như một bầu sữa quý giá giữa trùng khơi. Trong xu hướng ngày càng sa mạc hóa ở hòn đảo này, việc bảo tồn và gìn giữ nguồn nước của giếng Vua là hết sức cấp thiết. Trong tháng 8- 2017, Giếng Vua đã được công nhận là di tích cấp tỉnh nhưng điều đáng buồn là khi đến đây, chỉ vỏn vẹn một tấm bảng chỉ dẫn đơn sơ, không có một bảng thông tin về di tích, hơn nữa khu vực quanh giếng không được chăm sóc, giữ gìn nên rất bẩn, hôi thối, cỏ mọc um tùm. Thiết nghĩ, chính quyền địa phương nên dành một phần công sức để tôn tạo lại di tích này, vừa giữ gìn văn hóa, một điểm đến cho du khách thập phương.
LÊ ANH TUẤN
http://cadn.com.vn
Viết bình luận
Bạn đã gửi bình luận thành công. Chúng tôi sẽ đăng bình luận của bạn sau khi kiểm duyệt.