Đất nước Madagascar

Madagascar là hòn đảo lớn thứ 4 thế giới (sau Greenland, Ilian, Kalimantan), nằm tách biệt ở phía nam châu Phi được bao quanh bởi Ấn Độ Dương. Đất nước nổi tiếng về sự đa dạng, độc đáo của quần thể sinh vật và một nền văn hóa đặc sắc.

Đất nước Madagascar

Madagascar còn được gọi là Tiểu lục địa trên Ấn Độ Dương. Thực chất, đây là một quần đảo, trong đó đảo chính có tên là Madagascar có diện tích 590.000 km2.

Những nghiên cứu về cư dân Madagascar cho thấy nhiều điểm lý thú với hệ ngôn ngữ và phong tục tập quán riêng biệt. Thật ngạc nhiên khi biết rằng người Madagascar da màu vàng, vóc dáng hoàn toàn khác với người Ảrập và người da đen của đại lục châu Phi, lại rất giống cư dân Đông Nam Á. Từ đó, người ta cho rằng người Madagascar chủ yếu đến từ vùng Đông Nam Á ở bên kia Ấn Độ Dương.

Một giả thuyết được nhiều người thừa nhận là từ trước Công nguyên người Indonesia đã dùng thuyền vượt đại dương đến đây. Họ chính là “người bản địa” của Madagascar. Theo thời gian, họ cùng người Ảrập, người da đen châu Phi trở thành chủ nhân của quốc đảo.

Cho tới nay, người dân trên đảo Madagascar vẫn giữ được nhiều phong tục tập quán của người Đông Nam Á, ví dụ như kiến trúc nhà ở, cách xây dựng và điều khiển nông trại... Nhà của người Madagascar thường được làm bằng tre, hai mái nghiêng được phủ bằng các loại rơm cỏ và lá cọ. Trong nhà, trên tường còn có các ban thờ. Đáng chú ý, nghi lễ hôn nhân, tang chế... cũng có nhiều nét giống như của cư dân Đông Nam Á.

Hệ động vật của Madagascar hết sức phong phú, đa dạng tuy rằng không có các loại động vật lớn thường thấy ở đại lục châu Phi (như voi, hà mã, sư tử, ngựa vằn, hươu cao cổ) nhưng bù lại nơi đây có rất nhiều động vật quý hiếm mà lục địa đen không có, như khỉ cáo vằn và linh miêu mã đảo.

Đất nước Madagascar

Một đàn khỉ cáo vằn.

Trong số các loài linh trưởng ở đây thì nổi bật nhất là loài khỉ cáo vằn, với tổng cộng 36 loài. “Chúng là những con vật rất đẹp, có thể nói là duyên dáng”- Philippe Mariod, một nhà sinh vật học người Tây Ban Nha nhận xét.

Philippe Mariod từng sống nhiều tháng trong một năm ở Madagascar bởi vùng đất này đã quyến rũ ông. Trong những chuyến điền dã tới những vùng dân cư thưa thớt trong những hẻm núi hay là nơi hoang mạc, P.Mariod đã “phải lòng” xứ sở này.

“Tôi cho rằng Madagascar là thiên đường hoang sơ còn sót lại trên hạ giới. Bạn có thể gặp trên những con đường vắng vẻ một đàn khỉ cáo vằn. Chúng có khuôn mặt của cáo nhưng lại là mình khỉ, lông dày. Chúng sở hữu những chiếc đuôi dài để giữ thăng bằng khi chạy nhảy, vừa có cánh tay thiện nghệ để leo trèo”- P.Mariod viết.

Đất nước Madagascar

Thế hệ tương lai của Madagascar.

Cũng như không ít nhà sinh vật học khác, P.Mariod bị những con khỉ cáo vằn mê hoặc. Ông có thể ngồi từ ngày này sang ngày khác quan sát chúng. Khỉ cáo vằn không bám trên cây như các loài khỉ cáo khác mà “nhà” của chúng lại là những vách đá. “Chúng vui vẻ sống trên những núi khô khốc, bất chấp luôn trong tình trạng thiếu thức ăn. Hiếm khi chúng dời khỏi vách núi, nhưng nếu có thì chúng lại khuấy động cả một vùng rộng lớn với những tiếng kêu thất thanh”- P.Mariod kể.

Berenty nằm ở phía Nam của Madagascar, là nơi nhiều động vật hoang dã nhất Madagascar đồng thời cũng nổi tiếng với các loài thú rừng đã được thuần hóa. Người dân ở đây sống gắn bó với thiên nhiên, từ đó cũng trở thành những người thuần hóa động vật tự nhiên ở đẳng cấp vượt trội. Người ta cho rằng những con bò hoang đã được người dân vùng Berenty thuần hóa, nhân giống rộng rãi, cho tới nay chúng đã chiếm vị trí đặc biệt của đất nước này. Đi đâu trên đất nước Madagascar cũng thấy hình tượng của bò: trên quốc huy, tiền tệ, huy chương hướng đạo sinh…

Bên những con đường, kể cả đường cao tốc người ta cũng thấy những tấm bảng vẽ hình đầu bò. Người miền Nam đất nước có lễ hội, “trộm” bò, để thấy sự đảm lược và lòng dũng cảm của những chàng trai, từ đó có thể lọt vào mắt xanh của cô gái.

Hệ thực vật của Madagascar hết sức phong phú và đặc biệt, nổi bật nhất là cây bao-báp. Những cây bao-báp trông như thể mọc ngược. Khắp nơi trên đất nước này đều có cây bao-báp. Chúng có sức sống bền bỉ, bất chấp sự khắc nghiệt của thời tiết và thổ nhưỡng.

Đất nước Madagascar

Nằm ở độ cao 90 m, bắc qua vực sâu đầy đá nhọn dựng đứng ở Tsingy de Bemaraha là một cây cầu nguy hiểm nhất thế giới.

Cuối cùng, nói đến Madagascar thì không thể không nói đến một nền văn hóa độc đáo đến kỳ lạ. Sở dĩ có điều đó là vì quốc đảo này nằm tách khỏi phần lục địa của châu Phi. Nó cũng là nơi giao thoa văn hóa mạnh mẽ từ Trung Đông, Đông Nam Á và lục địa đen. Trong quá khứ, Madagascar cũng chịu sự ảnh hưởng của văn hóa đến từ châu Âu, thông qua những cuộc viễn du của người Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hà Lan và đặc biệt là người Pháp. Sự hòa trộn giữa văn hóa bản địa với những luồng văn hóa du nhập đã tạo nên nền văn hóa Madagascar.

Tới nay, ở những thôn làng, người ta vẫn thấy sự hiện diện của cuộc sống nguyên thuỷ, nơi còn rất nhiều điều cấm kỵ và tập tục. Người ta vẫn tin rằng phép thuật phù thuỷ có sức mạnh vô song. Còn tại những đô thị, cảng biển lại là một nền văn minh khác, hướng ngoại và năng động.

Thế Tuấn (Nguồn tham khảo:  Madagascar Today, National Geographic)

http://daidoanket.vn

Viết bình luận

Bạn đã gửi bình luận thành công. Chúng tôi sẽ đăng bình luận của bạn sau khi kiểm duyệt.