Bốn lễ hội thiên đăng ở châu Á đẹp như phim 'Công chúa tóc mây'

Những chiếc đèn lồng mang theo bao ước nguyện, bay lơ lửng trên bầu trời khiến nhiều người liên tưởng đến phim hoạt hình của Disney.

Indonesia

Bộ phim hoạt hình "Công chúa tóc mây" (Tangled) từng khiến khán giả chìm đắm trong không gian huyền ảo, lãng mạn bởi cảnh tượng hàng chục nghìn chiếc đèn trời thả từ lâu đài vào đúng ngày sinh nhật thứ 18 của công chúa Rapunzel. Ý tưởng này xuất phát từ một thành viên trong đoàn làm phim sau khi tìm hiểu về lễ hội thả đèn trời ở Indonesia. Có đến hàng chục nghìn chiếc đèn lồng mỗi dịp lễ như vậy, đặc biệt vào Đại lễ Vesak (Lễ Phật Đản) tổ chức rằm tháng 4 âm lịch hằng năm (năm nay rơi vào ngày 29/5/2018).

Điểm thả đèn trời nổi tiếng nhất Indonesia là đền Borbudur (Ba La Phù đồ) có niên đại từ thế kỷ thứ 9, tọa lạc ở Magelang, miền Trung Java. Đây là một trong những ngôi đền cũng như di tích Phật giáo lớn nhất thế giới. Những ngày này, Phật tử từ khắp đất nước hành hương về Borbudur, thiền định cùng các nhà sư rồi sau đó thả hàng nghìn chiếc đèn lồng làm từ giấy mỏng lên trời cùng ý nguyện hạnh phúc, bình an.

Lễ hội đèn trời ở Indonesia (Video: PiknikDong Channel)

Đài Loan

Trong quan niệm của người Trung Quốc, đốt đèn trời bắt nguồn từ ước vọng có cuộc sống trường tồn, còn vào ngày lễ Tết thì nhằm xua đuổi bóng đêm, ma quỷ, cầu mong may mắn, sinh viên ước nguyện tốt nghiệp, đỗ đại học... Vì thế một trong những trải nghiệm không nên bỏ lỡ khi du lịch Đài Loan là thả đèn trời ở Shifen (Thập Phần) - khu phố cổ với những ngôi nhà xây theo kiến trúc đặc trưng của Đài Loan xưa, cách trung tâm Đài Bắc khoảng 35 km.

Đặc biệt, lễ hội Thiên đăng tổ chức rằm tháng giêng hằng năm (năm nay rơi vào ngày 2/3/2018) ở Shifen luôn thu hút hàng nghìn khách du lịch từ khắp nơi đổ về. Tại đây, du khách mua những chiếc đèn trời với giá khoảng 150-200 TWD (khoảng 120.000-160.000 đồng), viết điều ước lên trên rồi thả lên trời. Bên cạnh đó, đây vốn là điểm đến nổi tiếng ở Đài Loan nên bình thường cũng khá đông người. Nếu muốn tham gia lễ hội, bạn phải khởi hành thật sớm tránh kẹt xe bởi tuy không quá xa Đài Bắc nhưng bạn phải mất ít nhất ba đến bốn tiếng đồng hồ di chuyển do hàng dài xe xếp dọc sườn núi.

Lễ hội đèn trời ở Đài Loan (video: KennyHDV)

Hàn Quốc

Hằng năm, người Hàn Quốc tổ chức lễ hội Dalgubeol nhằm kỷ niệm ngày sinh của Đức Phật. Truyền thống này bắt nguồn từ rất lâu, dần trở nên phổ biến khắp xứ sở kim chi với các lễ hội đèn lồng ở nhiều thành phố, trong đó lớn nhất phải kể đến lễ hội thiên đăng ở Daegu, cách thủ đô Seoul khoảng 240 km về phía Nam. Hàng nghìn người tập trung tại sân bóng chày Duryu, thả những chiếc đèn trời mang theo ước nguyện an lành, hạnh phúc cho gia đình, người thân.

Sự kiện diễn ra nhiều ngày nhưng duy nhất một đêm thả đèn trời (năm nay rơi vào 19/5), từ 11h sáng đến 9h tối. Bạn cần phải mua vé nếu muốn tham gia, giá dao động từ 15.000 đến 25.000 won (khoảng 300.000-500.000 đồng) tùy loại qua trang web chính thức của chương trình. Bên cạnh đó, khoảng 6.000 vé miễn phí dành cho những ai xếp hàng sớm tại sân vận động. Khu ẩm thực bán đủ loại thức ăn nhanh, đồ uống phục vụ du khách và cũng không ít người mang theo đồ ăn, cắm trại từ sáng rồi chờ đến lúc thả đèn.

Lễ hội đèn trời ở Hàn Quốc (video: Travel Factory)

Thái Lan

Loy Krathong (hay Loi Krathong) là một lễ hội truyền thống của người Xiêm bắt nguồn từ Thái Lan, tổ chức định kì vào tháng 11 hằng năm (năm nay rơi vào ngày 23/11). Không chỉ Thái mà một số nước khác như Lào, Myanmar, Malaysia và Xishuangbanna (Vân Nam, Trung Quốc) cũng coi trọng ngày lễ này. Trong tiếng Thái, "Loy" nghĩa là "trôi", "Krathong" là "đèn hoa đăng" nên người ta thường thả hoa đăng trên sông. Tuy nhiên ấn tượng và thu hút du khách thập phương nhất phải kể đến lễ hội Loy Krathong ở Chiang Mai, cách Thủ đô Bangkok chừng 800 km về phía Bắc.

Chiang Mai vốn là cố đô của vương quốc cổ Lan Na (miền Bắc Thái Lan) nên lễ hội này có nghi thức thả đèn trời Yi Peng kiểu người Lan Na xưa với những chiếc đèn lồng giấy bay lên bằng hơi nóng cùng niềm tin cuốn theo phiền não, đau buồn của năm cũ bay đi, các ước nguyện cũng sẽ thành hiện thực trong năm sau. Đèn lồng bán khắp nơi với giá dao động từ 30 đến 100 Baht (khoảng 21.000-70.000 đồng). Nếu muốn tham gia lễ hội, bạn phải lên kế hoạch thật sớm và kỹ vì thời điểm này vé máy bay và phòng khách sạn luôn tăng cao, thậm chí cháy phòng. 

Lễ hội đèn trời ở Thái Lan (video: Thiết Nguyễn)

 Vi Yến

ngoisao.net

Viết bình luận

Bạn đã gửi bình luận thành công. Chúng tôi sẽ đăng bình luận của bạn sau khi kiểm duyệt.