An Giang: Hùng vĩ Núi Cấm trên đỉnh Thất Sơn

Núi Cấm hay còn gọi là Thiên Cấm Sơn thuộc vùng Bảy Núi nổi tiếng của tỉnh An Giang, nằm trong khu vực tam giác Tịnh Biên – nhà Bàng – Tri Tôn.

Nơi đây nổi tiếng với thắng cảnh thiên nhiên núi đồi vô cùng hấp dẫn du khách tìm đến du ngoạn khi đến An Giang.

Vùng Bảy Núi nổi tiếng An Giang, gồm: Núi Cấm, Núi Dài, Núi Cô Tô, Núi Két, Núi Nước, Núi Tượng và Núi Dài Năm Giếng. Theo truyền thuyết xa xưa cái tên Núi Cấm từ thời vua Nguyễn Ánh ở ẩn tại nơi đây và truyền lệnh cấm người dân lên núi quấy nhiễu. Cũng có người truyền miệng rằng trước đây ngọn núi này rất hoang vu và hiểm trở, thú dữ khiến người dân không dám lên núi lấy củi, săn bắn… Ý kiến khác lại cho rằng, thực dân Pháp cấm người dân tụ tập trên núi để làm loạn nên tên núi Cấm cũng có từ đó. Núi Cấm (núi Ông Cấm) là ngọn núi cao và hùng vĩ nhất trong cụm Thất Sơn, được nhiều người tin rằng nơi đây rất linh thiêng.

Núi Cấm với nhiều tên gọi khác nhau, từ thời xưa núi Cấm có tên núi Gấm, Thiên Cấm Sơn, Thiên Cẩm Sơn (núi đẹp như gấm lụa). Đến nay nhiều giả thuyết về nguồn gốc núi Cấm, mỗi người có cách lý giải theo suy nghĩ riêng của họ.

Chùa Phật Lớn ở núi Cấm - An Giang

Đến Núi Cấm mới thấy được khung cảnh nơi đây thật hùng vĩ, khí hậu mát mẻ, không khí trong lành, bên cạnh các công trình kiến trúc độc đáo như chùa Vạn Linh, chùa Phật Lớn, tượng Phật Di Lặc, tượng Quán Thế Âm còn có các không gian như: hồ Thanh Long, hồ Thủy Liêm, suối Thanh Long, nhiều hang động, nhiều am, điện thờ…. Đặc biệt, hệ thống cáp treo giúp du khách có thể thưởng ngoạn toàn khung cảnh tuyệt đẹp từ trên cao một cách thoải mái nhất. Núi Cấm đã trở thành một nơi quen thuộc, đi vào đời sống tinh thần của người dân Tây Nam Bộ, nơi thiên nhiên núi đồi An Giang hùng vĩ đến thế. Nơi đây biểu tượng tâm linh từ xưa đến nay tạo nên một nền văn hóa tâm linh của người dân đồng bằng Sông Cửu Long.

Núi Cấm có không gian với phong cảnh hữu tình như một bức tranh sơn thủy làm xao xuyến tâm hồn du khách trong và ngoài nước nếu có dịp ghé thăm. Thời điểm thích hợp để tham quan núi Cấm chắc có lẽ là vào mùa xuân, bởi vào mùa này cây cối xanh tươi, sản vật dồi dào, mát mẻ trong lành. Trời về đêm lành lạnh, sáng sớm thì có sương trắng phủ đầy, mây chiều là đà vương đầu núi. Đứng trên đỉnh núi, du khách có thể nhìn khung cảnh bao quát với hình ảnh những cánh đồng lúa mênh mông dưới chân núi kéo dài đến tận vùng biển Hà Tiên và biên giới Tây Nam. Cảm giác vô cùng thoải mái, làm xua tan đi những lo toan của cuộc sống thường ngày, nạp lại năng lượng để tiếp tục với công việc.

Đến đây du khách không thể bỏ qua bức tượng Phật Di Lặc cao nhất Đông Nam Á sừng sững giữa núi đồi, hướng về chùa Phật Lớn và chùa Vạn Linh. Chùa Phật lớn là một ngôi chùa nhỏ bé, mái lợp tôn, chùa có tượng phật to lớn và còn để phân biệt với chùa Phật Nhỏ ở hướng Đông gần chân núi. Ngày nay, chùa Phật Lớn được tôn tạo hết sức bề thế, càng làm tăng thêm phần uy nghiêm nhưng không kém hấp dẫn du khách thập phương khi “ sánh vai” cùng tượng Phật Di Lặc.

Tượng Phật Di Lặc núi Cấm.

Có thể nói đây là công trình nghệ thuật nổi bật, với kiến trúc tôn giáo đồ sộ nhất từ trước đến nay trên vùng Bảy Núi huyền bí. Một điều đặc biệt, du khách tham quan đứng ở bất cứ nơi nào trên các vồ núi cũng đều nhìn thấy tượng Phật màu trắng sáng, ngồi uy nghi giữa không gian xanh ngát với nụ cuời bao dung và thánh thiện. Nơi đây, núi Cấm là một danh lam thắng cảnh, thiên nhiên hấp dẫn, hoa lá bốn mùa tạo nên bức tranh “cẩm tú sơn kì”, nhiều đỉnh núi cao thấp khác nhau gọi là vồ, mỗi tên vồ đều gắn liền với một truyền thuyết và mang nhiều ý nghĩa kỳ thú như vồ Thiên Tuế, vồ Bồ Hông, vồ Ông Bướm, vồ Đầu, vồ Bà… Đó là năm vồ hay năm non mà khách hành hương thường hay đến để chiêm bái.

Chùa Vạn Linh núi Cấm.

Dọc theo các lối đi, du khách có dịp khám phá thêm nhiều điểm hấp dẫn khác như vồ Pháo Binh, vồ Chư Thần, điện Rau Tần, điện Cửu Phẩm, điện Mười ba tầng, đặc biệt là điện Kín, điện Cây Quế, hang Ông Hổ, động Thủy Liêm, vồ Mồ Côi, miếu Mười Cô… mỗi nơi đều có sự li kì, huyền ảo mang màu sắc tín ngưỡng, như gợi lại thời hoang sơ từ thuở khai sơn phá thạch.

Con đường lên núi Cấm có rất nhiều lều quán, quán nào cũng có võng để khách ngã lưng nghỉ chân. Quán nào cũng bày bán nhiều loại thuốc rừng, đặc biệt là bánh xèo với bánh mặn và chay, du khách có thể thưởng thức cùng gia đình, cảm giác vô cùng tuyệt vời.

Núi Cấm là địa điểm hành hương của mọi du khách gần xa, đến để tham quan nơi đây nhất là vào mùa xuân, mùa trẩy hội. Vùng núi với vẻ đẹp hoang sơ vô cùng kỳ vĩ, chân thật và rất đỗi hiền hòa. Khung cảnh thiên nhiên núi non hữu tình, mang vẻ đẹp riêng, ghi dấu vào lòng du khách bốn phương lưu luyến mỗi khi đặt chân đến mảnh đất Thất Sơn huyền bí này. 

Hồng Muội

http://giadinhvaphapluat.vn

Viết bình luận

Bạn đã gửi bình luận thành công. Chúng tôi sẽ đăng bình luận của bạn sau khi kiểm duyệt.