6 món bánh có tên kỳ lạ ở Việt Nam nhưng lại là đặc sản nổi tiếng

Ẩm thực truyền thống nước ta là sự đa dạng của các món bánh. Đi dọc từ Bắc đến Nam, nếu phải kể hết các loại bánh từ mặn đến ngọt chắc đếm không xuể. Nhưng không thể không nhắc đến những chiếc bánh có tên kỳ lạ ở Việt Nam, gây ấn tượng cho thực khách bốn phương. Hãy cùng điểm mặt xem những chiếc bánh sở hữu cái tên kỳ lạ đến mức nào ngay dưới đây!

Bánh khọt

Là món bánh bình dân đặc sản du nhập từ Tuy Hòa, Nha Trang vào Vũng Tàu cùng một số tỉnh miền trong như Kiên Giang,… bánh khọt dần chiếm trọn trái tim của những ai đã từng thưởng thức nó.

món bánh có tên kỳ lạ ở Việt Nam

Bánh khọt là một món bánh bình dân. Ảnh: baomoi

Bánh khọt Vũng Tàu có hình tròn lớn bằng miệng ly uống trà, được nướng chín trong một chiếc khuôn có láng dầu. Một chiếc bánh khọt ngon thực sự phải là chiếc bánh có đủ cả độ giòn và độ dai. Trong lòng bánh khọt vẫn giữ được màu trắng tinh của bột, đồng thời được điểm tô thêm màu sắc rực rỡ của hành lá thái nhỏ, gạch tôm đã lột vỏ trông vô cùng bắt mắt.

món bánh có tên kỳ lạ ở Việt Nam

Bánh khọt Vũng Tàu có hình tròn lớn bằng miệng ly uống trà. Ảnh: vntrip

Khi ăn bánh khọt không thể thiếu nước chấm và đồ ăn kèm. Tùy từng địa phương mà đồ ăn kèm với bánh khọt cũng đa dạng, phong phú khác nhau, chẳng hạn như rau thơm, rau sống hay dưa góp,…

Còn ở Vũng Tàu, người ta cũng ăn bánh khọt kèm theo các loại rau thơm, đu đủ thái sợi, dưa góp,… Những quả đu đủ xanh được thái thành sợi nhỏ, ngâm trong giấm, thêm chút đường đem đến hương vị chua chua ngọt ngọt và rất giòn.

món bánh có tên kỳ lạ ở Việt Nam

Ăn bánh khọt kèm theo các loại rau thơm, đu đủ thái sợi, dưa góp. Ảnh: zadn

Bên cạnh đó, nước chấm cũng là một trong những yếu tố quan trọng quyết định sự thành công của món bánh khọt Vũng Tàu. Mỗi quán lại có bí quyết pha nước chấm riêng, giúp họ giữ chân khách và tạo ấn tượng sâu đậm với khách.

món bánh có tên kỳ lạ ở Việt Nam

Nước chấm cũng là một trong những yếu tố quan trọng quyết định sự thành công của món bánh khọt. Ảnh: macramela

Người ăn có thể dễ dàng cảm nhận được hương vị thơm ngào ngạt của bột gạo nguyên chất, của hành lá, gạch tôm, sự béo ngậy của dầu mỡ, chua ngọt đầy hấp dẫn của đu đủ và mùi thơm đến từ nước chấm. Phải công nhận rằng, dù khá đơn giản nhưng món bánh khọt Vũng Tàu đã khiến bao du khách mê mẩn và muốn quay lại thành phố biển thưởng thức thêm lần nữa.


Bánh ngải

Đặt chân tới Bắc Sơn của tỉnh Lạng Sơn bạn sẽ được chào đón bằng bầu không khí mát mẻ dễ chịu, cảnh sắc, văn hóa và cái ấm áp của tình người nơi đây cũng khiến bạn phải mê đắm. Văn hóa ẩm thực của Bắc Sơn đa dạng hơn các vùng miền khác rất nhiều.

Đây là địa bàn sinh sống của phần lớn của người dân tộc Tày nên bạn sẽ được thưởng thức những món ăn dân tộc và bánh ngải là món ăn truyền thống của người dân nơi đây. Bánh ngải Lạng Sơn có từ rất lâu đời, món bánh này có thể làm quanh năm nhưng nhiều nhất vẫn là vào mùa xuân khi lá ngải mới mọc tươi ngon nhất.

món bánh có tên kỳ lạ ở Việt Nam

“Bánh ngải” là món ăn truyền thống của người dân Bắc Sơn. Ảnh: dulichvietnam

Người ta hái lá ngải về, rửa sạch và luộc trong nước vôi, đây chính là bí quyết gia truyền của người dân tộc Tày nhằm loại bỏ vị đắng của lá ngải để bánh ngọt hơn khi thành phẩm. Sau khi vớt lá ngải đã luộc qua nước vôi thì người ta sẽ sao lá ngải cho khô, không để lại chút nước nào.

Gạo nếp để làm bánh ngải là nếp nương, sau khi đã nấu chín đổ ngay ra trộn với lá ngải đã sao khô khi còn nóng. Sau khi đã trộn lẫn với nhau người ta bắt đầu giã nhuyễn nếp và lá ngải. Khi nếp đã nhuyễn sẽ được nhồi nhân và nặm thành những chiếc bánh hình tròn hơi dẹt.

món bánh có tên kỳ lạ ở Việt Nam

Chiếc bánh ngải có màu xanh đẹp mắt. Ảnh: tin247

Người dân tộc Tày ăn bánh ngải quanh năm và đặc biệt là không thể thiếu trong các dịp lễ tết, đây chính là món đặc sản đã đi sâu vào nếp sống của người dân nơi đây, nếu đến Lạng Sơn mà không thưởng thức bánh ngải thì chuyến đi của bạn thật sự không hoàn hảo.

Khi thưởng thức bánh ngải bạn sẽ thấy cái vị dân dã của núi rừng trong đó, không còn chút đắng, chút hăng nào của lá ngải, bánh chỉ thoảng hương ngải cùng vị ngọt của nếp nướng khiến bất cứ ai cũng phải xiêu lòng vì nó.

món bánh có tên kỳ lạ ở Việt Nam

Người dân tộc Tày ăn bánh ngải quanh năm. Ảnh: kenh14cdn


Bánh gio

Trong danh sách những món bánh có tên kỳ lạ ở Việt Nam, có một loại bánh “nhầy nhầy”, mướt như thạch là đặc sản của người Tày nhưng dần được ưa chuộng rộng rãi trên cả nước. Đó là món bánh gio (hay còn gọi là bánh tro, bánh ú tro, bánh nắng, pẻng tấu). 

món bánh có tên kỳ lạ ở Việt Nam

Bánh gio là đặc sản của người Tày. Ảnh: googleusercontent

Tên gọi của bánh gio xuất phát từ phụ liệu cốt yếu làm nên món bánh này: nước tro. Người làm bánh gio sẽ đốt các loại thảo mộc, dược liệu thành tro, vò mịn rồi đem lọc lấy nước tro màu vàng nâu. Nước tro sử dụng để ngâm gạo bánh và đồng thời là nước luộc bánh. Gạo để làm bánh gio là gạo nếp ngon.

món bánh có tên kỳ lạ ở Việt Nam

Có thêm “phiên bản” bánh gio gấc. Ảnh: nuongbac

Sau khi luộc chín, thành phẩm là một khối bột trong, “nhầy nhầy”, núng nính, có hình dạng tuỳ thuộc vào tay người gói (ở các địa phương khác nhau). Bánh ban đầu rất lạt, có màu hổ phách ánh lên, trong suốt như một khối ngọc. Khi nguội, bánh thanh mướt như thạch, thơm vị xoan vừng. Ăn chấm với mật mía hoặc đường cát, trở thành một thức bánh ngọt, già trẻ đều thích.

món bánh có tên kỳ lạ ở Việt Nam

Bánh có màu hổ phách ánh lên, trong suốt như một khối ngọc. Ảnh: wecheckin

Mùa hè đến là thời điểm bánh gio được tiêu thụ nhiều nhất, đặc biệt là trong tháng 5 âm lịch - Tết Đoan ngọ, bánh gio là một trong những món ăn được ưa chuộng để diệt trừ sâu bọ, xua đuổi bệnh tật. Ngoài ra, món bánh “thuần Việt” này vẫn thường người người, nhà nhà ưa thích quanh năm, nhất là các bố mẹ, ông bà thì chuộng ăn hơn cả. Do bánh vừa thơm mát, dễ ăn, lại vừa dễ mua, giá thành cũng rẻ.

món bánh có tên kỳ lạ ở Việt Nam

Mùa hè đến là thời điểm bánh gio được tiêu thụ nhiều nhất. Ảnh: nhipsonghanoi


Bánh cáy

Bánh cáy cũng là một trong những món bánh có tên kỳ lạ ở Việt Nam, bắt nguồn từ làng Nguyễn, xã Nguyên Xá, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình. Khi ăn, người thưởng thức sẽ cảm nhận được vị ngọt, bùi, lại có chút béo đan xen cùng với độ giòn, lại vừa dẻo vừa dai.

Thú vị hơn nữa là lại được nhâm nhi bên ấm trà xanh nóng trong tiết trời se se lạnh, vị trà ấm kết hợp với vị cay nóng của gứng trong miếng bánh sẽ khiến người ăn cảm thấy ấm dạ, khoan khoái.

món bánh có tên kỳ lạ ở Việt Nam

Bánh cáy nhâm nhi cùng với trà. Ảnh: tgdd

Bánh cáy Thái Bình là một loại bánh được làm từ gạo nếp, vừng, lạc kết hợp thêm các loại lá, quả để tạo ra các màu trắng, xanh, vàng cho miếng bánh. Có thể nói, đây là loại bánh rất đặc trưng mà ngoài Thái Bình ra không nơi nào có được.

món bánh có tên kỳ lạ ở Việt Nam

Vị ngọt của đường, cay nhẹ của hương gừng, béo bùi, dẻo thơm của nếp và cốm non. Ảnh: thanhnien

Từ những nguyên liệu rất bình dị nhưng người dân nơi đây đã kết hợp lại để tạo nên một thứ bánh dẻo, thơm với những hương vị đặc trưng. Bánh cáy làng Nguyễn được chọn lựa nguyên liệu kỹ càng, gồm có nếp cái hoa vàng tròn mẩy, gấc chín đỏ, vừng, lạc được rang vàng, mỡ phần, cơm dừa xắt lát ướp cùng với đường, mứt bí dẻo thơm, thêm cả mạch nha và tinh dầu hoa bưởi.

món bánh có tên kỳ lạ ở Việt Nam

Vừng đặc tẩm xung quanh bánh cáy. Ảnh: shopee

Để làm một chiếc bánh cáy, đòi hỏi nhiều công đoạn cũng như sự công phu của người làm bởi nguyên liệu chính là gạo nếp nhưng đi kèm còn có khá nhiều phụ kiện khác, mỗi loại nguyên liệu lại có một cách xử lý riêng.

Gạo nếp dùng để làm bánh được chia làm 2 phần, một phần đồ xôi với nước quả gấc tạo nên màu hồng thắm; phần còn lại đồ xôi với nước quả dành dành tạo nên màu vàng tươi. Hai loại xôi này đều được giã bằng chày như làm bánh giầy.

Sau khi giã nhuyễn đều, cán mỏng, cắt thành lát như mứt bí rồi sấy khô. Sấy xong cho vào chảo mỡ lợn đang sôi đảo đều tới khi lát bánh thơm giòn. Các nguyên liệu phụ như lạc, vừng được rang chín ròn, xát bỏ vỏ.

Gạo nếp hoa vàng được rang cho nở tung, sạch trấu và dậy mùi thơm. Mỡ lợn khẩu muối đường hơn nửa tháng, đem ra thái nhỏ như hạt lựu, xào ngọt lấy độ trong, giòn. Cà rốt xào nước đường, nước gừng, vỏ quýt tươi được cũng cần được chuẩn bị một cách đầy đủ.

Cho các nguyên liệu đã chuẩn bị trộn đều cùng với đường mía, đem hâm nóng trên chảo đến khi đạt tới mùi thơm kỹ thuật thì đưa vào khuôn gỗ được chuẩn bị sẵn có lót vừng bên trong, nhồi nén cho bánh trở nên cứng, sau đó lấy bánh ra cho vào bao bì, vậy là đã làm xong bánh cáy. Khi làm đúng kỹ thuật thì dù không phơi nắng, không sấy qua lửa thì bánh vẫn có thể để được rất lâu.

món bánh có tên kỳ lạ ở Việt Nam

Bánh được làm từ gạo nếp và các nguyên liệu phụ khác. Ảnh: zadn

Chứng kiến và biết được các công đoạn tỉ mẩn để làm nên chiếc bánh của người thợ làng Nguyễn, mỗi khi ăn bánh, bạn sẽ thấy những miếng bánh không chỉ có vị ngon đặc trưng mà còn chứa đựng cả tâm huyết, tình cảm gói trong từng lát bánh thơm ngon.

Bánh cống

Có nguồn gốc từ Sóc Trăng, bánh cống Sóc Trăng được “khai sinh” bởi đồng bào người Khmer từ nhiều năm trước. Nhưng ngày nay, chiếc bánh này đã “chu du” qua nhiều vùng đất và mang đậm nét mộc mạc của hương vị miền Tây.

món bánh có tên kỳ lạ ở Việt Nam

Bánh cống có nguồn gốc từ Sóc Trăng. Ảnh: metrip

Bánh cống hay bánh cóng là món bánh có tên kỳ lạ ở Việt Nam, bắt nguồn của tên gọi từ chính hình dạng của món ăn. Bánh được đổ trong khuôn có dạng như chiếc cống, hình ống, tựa như phin cà phê với lòng khá sâu. Và cũng chính cách gọi thú vị này mà bánh cống lại tạo ấn tượng gây chú ý cho thực khách.

món bánh có tên kỳ lạ ở Việt Nam

Bánh được đổ trong khuôn có dạng như chiếc cống. Ảnh: dulichvietnam

Gần gũi và quen thuộc nhưng không phải ai cũng biết tạo ra những thành phẩm thơm ngon. Bánh cống không khó làm nhưng mọi công đoạn từ nguyên liệu, chế biến, canh lửa, chiên bánh, … cũng đòi hỏi sự kết hợp hài hoà giữa bí quyết và kinh nghiệm.

món bánh có tên kỳ lạ ở Việt Nam

Để tạo ra những chiếc bánh đúng chuẩn đòi hỏi phải có sự tỉ mỉ. Ảnh: laodong

Nguyên liệu cần thiết cho một chiếc bánh cống thơm ngon sẽ là bột gạo, đậu xanh, thịt băm và tôm. Khâu quan trọng tạo nên sự thành bại của chiếc bánh là phần pha bột. Thao tác này đòi hỏi người thợ phải khéo léo canh đều tỉ lệ, đó là ba phần gạo và một phần nếp, sau khi ngâm trong nước muối loãng qua đêm thì đem, gào và nếp được xay thành bột. Cuối cùng thêm ít bột mỳ, nước, hành lá vào, quậy đều, thế là xong lớp ngoài của chiếc bánh.

món bánh có tên kỳ lạ ở Việt Nam

Món bánh dân dã nhưng ngon miệng. Ảnh: tgdd

Nhân bánh là sự kết hợp giữa vị bùi bùi của đậu xanh đã đãi vỏ trộn cùng thịt heo băm nhuyễn được nêm gia vị vừa miệng. Một chiếc bánh cống đúng chuẩn không thể thiếu vị ngọt của tôm.
Hấp dẫn nhất là lúc chiên bánh, chảo ngập dầu được bắt lên cho sôi từ trước, bột bánh và nhân đổ đều vào chiếc khuôn nhôm cho vừa đủ và để ngập trong dầu chiên. Đôi bàn tay thoăn thoắt của người bán phải đều tay để bánh vừa đủ lửa, chín vàng đều thì vớt lên cho ráo dầu. Thành quả là những chiếc bánh cống giòn toả mùi thơm lừng.

món bánh có tên kỳ lạ ở Việt Nam

Chảo ngập dầu. Ảnh: dulichvietnam

Cũng giống như những món bánh khác của người Nam, vỏ và nhân của mỗi chiếc bánh cống là sự hoà trộn của vị bùi của đậu, vị béo của thịt hay chút ngậy của dầu ướm ngoài vỏ bột giòn tan ngay đầu lưỡi khi vừa nếm vào. Một hai chú tôm đỏ tươi chễm chệ trên mặt bánh tiếp thêm vị ngọt tươi cho bánh.

món bánh có tên kỳ lạ ở Việt Nam

Mỗi chiếc bánh cống là sự hoà trộn của vị bùi của đậu, vị béo của thịt hay chút ngậy của dầu. Ảnh: dulichvietnam

Bánh cống ăn đúng điệu phải kèm thêm rau sống, chén nước mắm chua ngọt thơm ngon chấm cùng. Món đồ chiên có vài lát rau sẽ tiếp thêm tươi mát và thơm ngon cho món ăn đỡ ngấy. Gói gém bánh trong lớp rau xanh, chấm thêm chút mặn chút chua ngọt từ nước mắm tỏi ớt. Hương vị dân dã và đồng quê lan toả khắp khuôn miệng. Chỉ là món bánh ăn chơi mộc mạc nhưng không kém phần bắt vị và đậm đà nét ẩm thực của người miền Nam.

món bánh có tên kỳ lạ ở Việt Nam

Bánh cống ăn đúng điệu phải kèm thêm rau sống, chén nước mắm chua ngọt. Ảnh: dulichvietnam

Bánh gật gù

Bánh gật gù là món bánh có tên kỳ lạ ở Việt Nam được nhiều thực khách cực kỳ ưa chuộng khi du lịch Quảng Ninh. Bánh được làm từ bột gạo có vẻ bề ngoài giống bánh ướt của miền Nam, bánh phở của miền Bắc. Bánh được cuộn tròn lại thành một cuộn dài, bánh có độ mềm nên khi cầm lên ăn thì cứ gật lên, gật xuống nên được gọi là bánh gật gù.

món bánh có tên kỳ lạ ở Việt Nam

Bánh có vẻ bề ngoài giống bánh ướt của miền Nam, bánh phở của miền Bắc. Ảnh: cattour

Công đoạn làm bánh cũng khá cầu kỳ và đòi hỏi nhiều kỹ thuật và đặc biệt phải làm thủ công thì mới ngon. Gạo được ngâm từ tối hôm trước, đến sáng hôm sau vớt ráo rồi xay thành bột nước.

Đặc biệt ở chỗ trong lúc nghiền bột người ta sẽ cho thêm cơm nguội để bánh có độ phồng, xốp, dẻo mịn ăn vào sẽ hấp dẫn hơn. Tỷ lệ giữa gạo và cơm nguội thì cứ đong theo thói quen của mỗi người. Gạo ngâm vừa cữ thì cho nhiều cơm nguội vào, tuỳ vào thời tiết khi trời nóng, gạo ngâm nhanh mềm thì cho ít cơm nguội hơn mà lạnh thì cho nhiều hơn.

món bánh có tên kỳ lạ ở Việt Nam

Bánh được làm hoàn toàn thủ công. Ảnh: cattour

Trước đây bánh thường xay bằng cối đá nhưng bây giờ người ta thường được xay bột bằng máy để tiết kiệm thời gian hơn, mà bánh cũng có độ mềm mịn và dẻo hơn. Bánh gật gù ngon thì lúc tráng bánh rất quan trọng. Phải căn đủ lượng bột bánh không bị đặc quánh, mà cũng không quá loãng. Đổ bột bánh lên khuôn một lớp dày chứ không đổ mỏng như bánh cuốn, không quá dày như bánh đa, tráng đều bánh thành hình tròn, đậy nắp đợi bánh chín.

món bánh có tên kỳ lạ ở Việt Nam

Đổ bánh là công đoạn rất quan trọng để giúp bánh có độ dẻo và mịn. Ảnh: kenh14cdn

Ngoài ra cũng cần căn lửa tráng bánh đều tay, không quá nóng bánh sẽ không chín đều, và dễ bị rách miếng bánh. Nếu lửa nhỏ bánh lâu chín mà cũng khó gỡ bánh hơn. Khi bánh chín nở phồng lên, dùng que nứa hoặc thành tre nhỏ luồn dưới miếng bánh khéo léo đưa bánh lên cao, nhanh tay cuộn lại rồi đặt lên miếng lá chuối để bánh không bị dính và nhìn ngon mắt hơn. Tiếp tục cho mẻ bánh khác vào và lặp lại như trên.

món bánh có tên kỳ lạ ở Việt Nam

Những miếng bánh tráng trắng bóc nhìn vô cùng thích mắt. Ảnh: googleusercontent

Bánh gật gù thường được ăn kèm cùng nước mắm chưng hay thịt kho tàu. Hương vị bánh tráng dai dẻo bùi bùi ăn cùng nước mắm đậm đà vô cùng vừa miệng.

món bánh có tên kỳ lạ ở Việt Nam

Bánh gật gù thường được ăn kèm cùng nước mắm chưng hay thịt kho tàu. Ảnh: wikimedia

Người Quảng Ninh thường ăn bánh gật gù vào buổi sáng, vừa ngon lại vừa no bụng. Đặc biệt người ta còn cho rằng bánh gật gù chẳng những ngon, bổ mà còn là thứ thuốc giải cảm. Miếng bánh nóng hổi vừa thổi vừa ăn, chấm thêm vị cay của ớt, miếng thịt mềm tan trong miệng , ăn vào thấy râm ran, xuýt xoa rất thích hợp cho những ngày mùa đông.

Mỗi loại bánh đều mang những hương vị đặc trưng khác nhau, tạo nên sự đa dạng trong cách chế biến, thưởng thức. Chúng đang góp phần tạo nên nét độc đáo trong nền ẩm thực Việt Nam. Tìm hiểu về nguồn gốc, cách chế biến những món bánh có tên kỳ lạ ở Việt Nam kể trên, chúng ta càng thêm trân trọng và gìn giữ nó, góp phần phát triển và duy trì bền vững đến mai sau.

Hồng Ánh

Theo Báo Thể Thao Việt Nam

Viết bình luận

Bạn đã gửi bình luận thành công. Chúng tôi sẽ đăng bình luận của bạn sau khi kiểm duyệt.