5 địa điểm nổi tiếng ở Tây An

Thành phố Tây An là thủ phủ của tỉnh Thiểm Tây và là một trong những đô thị cổ nhất ở Trung Quốc. Thành phố này có lịch sử hơn 3.100 năm, là cái nôi của nền văn minh lưu vực sông Hoàng Hà.

Đạp xe trên tường thành cổ là hoạt động rất thú vị ở Tây An. Ảnh: CNN Travel

Đạp xe trên tường thành cổ là hoạt động rất thú vị ở Tây An. Ảnh: CNN Travel

Tây An – xưa là Trường An là một trong 4 kinh đô lớn trong lịch sử Trung Hoa, mười ba vương triều Trung Quốc là Tây Chu, Tần, Tây Hán, Tùy, Đường,… đã đóng đô ở đây và thành phố này còn là điểm bắt đầu của Con đường tơ lụa huyền thoại.

Khi tới du lịch Tây An, bạn nhất định phải ghé thăm những địa điểm sau để cảm nhận thành phố này một cách tương đối trọn vẹn.

1. Núi Hoa Sơn

Núi Hoa Sơn. Ảnh: CNN Travel

Núi Hoa Sơn. Ảnh: CNN Travel

Con đường gỗ đầy thử thách ở Hoa Sơn. Ảnh: CNN Travel

Con đường gỗ đầy thử thách ở Hoa Sơn. Ảnh: CNN Travel

Núi Hoa Sơn là 1 trong 5 ngũ nhạc (Đông Nhạc: Thái Sơn, Tây Nhạc: Hoa Sơn, Nam Nhạc: Hành Sơn, Bắc Nhạc: Hằng Sơn, Trung Nhạc: Tung Sơn) nằm cách thành phố Tây An 120km về phía đông.

Thông thường đến du lịch Tây An các du khách sẽ đi cáp treo lên đỉnh núi phía Bắc rồi từ đó chinh phục 4 đỉnh còn lại ở phía Đông, Nam và Tây của Hoa Sơn.

Nơi đây còn nổi tiếng với con đường ván gỗ ghim trực tiếp vào vách đá ở lưng chừng ngọn núi cao hơn 2.000 mét, không có bất kỳ hàng rào bảo vệ nào trong khi ngay bên dưới là vực thẳm.

2. Bảo tàng Binh Mã Dũng

Bảo tàng Binh Mã Dũng được coi là kỳ quan thứ 8 của thế giới. Ảnh: CNN Travel

Bảo tàng Binh Mã Dũng được coi là kỳ quan thứ 8 của thế giới. Ảnh: CNN Travel

Bảo tàng Binh Mã Dũng là một trong những khám phá khảo cổ lớn nhất của thế kỷ 20. Được phát hiện vào năm 1974, nơi đây là hầm mộ của 8.000 chiến binh, ngựa và khoảng 10.000 vũ khí bằng đồng được nung tạc khéo léo từ thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên.

Hầm mộ này thuộc về hoàng đế đầu tiên của Trung Hoa – Tần Thủy Hoàng. Năm 1975, Trung Quốc đã thành lập một bảo tàng rộng 16.300m² ngay bên trên các hầm Binh Mã Dũng phục vụ nghiên cứu và bảo tồn di tích đã được UNESCO liệt vào danh sách các di sản văn hóa của nhân loại. Binh Mã Dũng được coi như một kỳ quan thứ 8 của thế giới.

3. Thành Trường An cổ

Tường thành Trường An cổ. Ảnh: CNN Travel

Tường thành Trường An cổ. Ảnh: CNN Travel

Thành cổ Tây An được Chu Nguyên Chương, vị vua đầu tiên của nhà Minh xây dựng, đến nay đã có lịch sử hơn 600 năm. Tường thành cao 12m, chân tường dày 18m, trên bề mặt rộng 12-14m, chu vi 13,74km với một hào sâu bao quanh.

Vật liệu xây dựng tường thành cũng rất đặc biệt. Ban đầu các bức tường được xây dựng bằng đất, vôi và chiết xuất gạo nếp trộn với nhau. Sau đó, bức tường được xây hoàn toàn bằng gạch.

Ngày nay, bạn có thể thuê xe đạp hoặc đi bộ dạo quanh tường thành để có thể cảm nhận được sự hoành tráng của tường thành cổ này.

4. Bảo tàng lịch sử tỉnh Thiểm Tây

Các tượng Phật hơn 1.000 năm tuổi tại bảo tàng lịch sử tỉnh Thiểm Tây. Ảnh CNN Travel

Các tượng Phật hơn 1.000 năm tuổi tại bảo tàng lịch sử tỉnh Thiểm Tây. Ảnh CNN Travel

Bảo tàng lịch sử tỉnh Thiểm Tây là nơi lý tưởng để tìm hiểu về lịch sử Trung Quốc, đặc biệt là triều đại nhà Đường.

Bảo tàng rộng 65.000m² này trưng bày khoảng 370.000 di tích khảo cổ văn hóa được phát hiện từ thời kỳ đồ đá đến năm 1840 như tranh tường, tranh vẽ, gốm sứ, tiền xu, đồ đồng, đồ bạc…

Hầu hết các cổ vật đều có mô tả bằng tiếng Anh nên bạn có thể dễ dàng tìm hiểu thông tin. Bảo tàng Lịch sử Thiểm Tây được xây dựng từ năm 1983 và mở cửa cho công chúng vào ngày 20 tháng 6 năm 1991.

5. Tháp Đại Nhạn

Tháp Đại Nhạn. Ảnh: CNN Travel

Tháp Đại Nhạn. Ảnh: CNN Travel

Tháp Đại Nhạn còn được biết đến với tên gọi khác là Đại Yến, đây là ngọn tháp được đánh giá là kiệt tác vĩ đại bậc nhất của kiến trúc cổ Trung Hoa. Tháp được xây dựng cách đây 1.300 năm khi Phật giáo cực kỳ hưng thịnh ở Trung Quốc.

Tòa tháp có 7 tầng, cao 64,5 mét, được xây dựng bằng đất nện. Một trong những chức năng của tòa tháp là để lưu trữ Kinh điển và những bức tượng Phật được mang từ Ấn Độ sang bởi ngài Huyền Trang – Đường Tam Tạng (năm 602 – 664) thời nhà Đường.

 

 

Theo Dương Quán Hạ/Tuổi trẻ

Viết bình luận

Bạn đã gửi bình luận thành công. Chúng tôi sẽ đăng bình luận của bạn sau khi kiểm duyệt.